Nghị quyết số 29/2021/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 28/7/2021.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng từ 32%-34%
Quốc hội quyết nghị, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm (2021- 2025) đạt khoảng từ 32 – 34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm khoảng từ 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN khoảng 28%, phấn đấu khoảng 29% tổng chi NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư công.
Đồng thời, Quốc hội cũng quyết nghị phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao; số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Về định hướng triển khai, tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế.
Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài; giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới.
Đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030), Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025) của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược…
Về tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn từ nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, Quốc hội quyết nghị, tổng mức vốn cho giai đoạn này là 2.870.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỷ đồng (vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); Vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng. Dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.
Liên quan tới phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách trung ương là 1.090.014,445 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.233.000 tỷ đồng.
Đối với số vốn ngân sách địa phương còn lại chưa phân bổ chi tiết 137.000 tỷ đồng, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cùng với các nội dung trên, Nghị quyết số 29/2021/QH15 cũng nêu chi tiết nguyên tắc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025; thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025…
06 nhóm giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025
Nhằm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đạt hiệu quả, Quốc hội đã quyết nghị các giải pháp sau:
Một là, tăng cường tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Hai là, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Cùng với đó, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Kiên quyết cắt giảm số lượng dự án đầu tư mới để tập trung đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án, công trình đã được phê duyệt, đang triển khai dở dang; kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn hoàn thành dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, tính liên tục trong đầu tư công.
Bốn là, tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật.
Năm là, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; tăng cường thực hiện cơ cấu lại chi NSNN theo hướng đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công, sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, tiết giảm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển.
Sáu là, quản lý chặt chẽ việc sử dụng khoản vốn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương. Khoản vốn dự phòng chưa phân bổ chỉ được sử dụng khi bảo đảm được cân đối nguồn vốn và bố trí cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN.
Về tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn từ nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025, Quốc hội quyết nghị, tổng mức vốn cho giai đoạn này là 2.870.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỷ đồng (vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); Vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng. Dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.