Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 32 triệu người trong độ tuổi lao động (khoảng 66,5% lực lượng lao động) chưa tham gia BHXH. Nguyên nhân cơ bản được nhiều chuyên gia cho rằng, do cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn người lao động tham gia, nhất là đối tượng hộ gia đình, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại. Đây là vấn đề đặt ra đối với việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Mặc dù, trong giai đoạn 2016-2020, số lao động tham gia BHXH bắt buộc tăng thêm trên 2,1 triệu người (trung bình mỗi năm tăng 4%), nhưng tỷ lệ người lao động chưa tham gia BHXH còn rất cao (khoảng 40%). Bên cạnh đó, số người tham gia BHXH tự nguyện chưa tương xứng với tiềm năng.
Để phát huy tiềm năng, mở rộng độ bao phủ BHXH, các chuyên gia cho rằng, sớm sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; có cơ chế khuyến khích, hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Mặt khác, nghiên cứu, quy định mở rộng tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, các cán bộ, nhân viên chuyên trách ở cấp xã, người giao kết hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, để tăng độ bao phủ BHXH, Nhà nước cần phải có quy định mở rộng về người tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Những người này làm trong khu vực nông nghiệp như làm kinh tế hộ gia đình, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại…
Người tham gia BHXH bắt buộc còn là NLĐ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức như: Hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh, NLĐ làm trong nền kinh tế chia sẻ (bán hàng online, dịch vụ liên quan đến công nghệ cao…).
Cùng với đó, chính sách BHXH cần làm rõ sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, giúp người lao động được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau, để tránh tình trạng người lao động nhận BHXH một lần khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc.
Chính sách BHXH phải cố định kể từ khi tham gia đối với mỗi người lao động hoặc nếu có sự thay đổi thì cũng được thông báo ngay từ khi người lao động bắt đầu tham gia. Việc ổn định chính sách sẽ tạo sự tin tưởng cho người dân, vừa tăng tính tự giác cho nhóm người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, vừa khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện.
Hiện nay, theo quy định, người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và nguồn trợ cấp này từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện trợ cấp xã hội cũng gây ra sự bất bình đẳng giữa những người cao tuổi, bởi người được hưởng lương hưu là do họ đã đóng góp/tích lũy trong thời gian làm việc, khi đó họ không được hưởng trợ cấp xã hội.
Chính vì vậy, để đảm bảo bình đẳng, cần có sự tích hợp giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác, thay vì trợ cấp cho người cao tuổi thì chuyển sang hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện như giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện.