Các vấn đề pháp lý liên quan đến xác định giá trị tài sản trí tuệ là tên thương mại của doanh nghiệp

0
182

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến xác định giá trị TSTT là tên thương mại của doanh nghiệp và đề xuất một số kiến nghị.

1. Các vấn đề pháp lý liên quan đến xác định giá trị TSTT là tên thương mại của doanh nghiệp

Tài sản trí tuệ đã nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chiến lược của doanh nghiệp vào những năm 1990. Cho đến nay, các TSTT đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia. Việc định giá TSTT ngày càng trở nên quan trọng đối với các hoạt động thương mại hóa TSTT, như: chuyển giao ứng dụng, góp vốn, nhượng quyền thương mại, nhượng quyền thương hiệu, mua bán, sáp nhập, cổ phần hóa, thế chấp,…

Theo Khoản 2, Điều 3, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phái triển công nghệ, tài sản sử dụng ngân sách nhà nước như sau:

“Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, có tính sáng tạo, xác định được, kiểm soát được và có khả năng mang lại lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu tài sản đó.

Tài sản trí tuệ bao gồm đối tượng được bảo hộ và đối tượng không được bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ như sáng chế, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, giống cây trồng, chương trình máy tính, tác phẩm khoa học, sáng kiến, giống vật nuôi, thiết kế kỹ thuật”.

Tên thương mại của doanh nghiệp là đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), là tài sản của doanh nghiệp với những đóng góp đáng kể vào thành công của doanh nghiệp và do tiềm năng của tên thương mại đối với các doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị TSTT của mình đã dẫn tới nhu cầu ngày càng gia tăng về phương pháp định giá quyền SHTT đối với tên thương mại.

Tuy nhiên, hiện nay, giá trị tài sản của tên thương mại chưa được đánh giá đầy đủ, cũng như chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức và coi đó là tài sản kinh doanh có giá trị lớn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi thành lập doanh nghiệp, ngoài việc xác định tài sản cố định, mỗi doanh nghiệp cần quan tâm đến TSTT – là yếu tố quan trọng góp phần quyết định vào sự thành công.

Để xác định được giá trị tài sản tên thương mại của doanh nghiệp, trước hết chúng ta cần phải phân biệt giữa giá và giá trị của TSTT. Giá thường được định nghĩa là những gì người mua sẵn sàng chi trả trong một giao dịch bình thường căn cứ trên giá trị của hàng hóa. Còn giá trị là một thuật ngữ trìu tượng, nhưng có chất lượng xác định mà việc tính toán được dựa trên một hệ thống các phương pháp, các nguyên tắc được kiểm tra theo trình tự. Việc định giá TSTT có thể ảnh hưởng đến giá của một TSTT, nhưng điều này không nhất thiết giống như việc xác định giá cho sản phẩm[1].

Thẩm định TSTT một cách có cơ sở và đáng tin cậy theo tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với Việt Nam, trong đó, đặc biệt là tài sản có thương hiệu như tên thương mại sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp góp vốn hợp tác, kinh doanh chuyển nhượng các TSTT một cách thuận lợi như các tài sản khác[2].

Các công cụ được định giá để xác định tài sản đối với tên thương mại giúp cho doanh nghiệp quản lý được TSTT một cách có hiệu quả và năng suất hơn. Việc định giá tên thương mại tạo ra một tiêu chuẩn hữu ích hơn và làm cơ sở để đàm phán trong trường hợp chuyển giao hoặc mua bán TSTT của doanh nghiệp, như: Văn bản hướng dẫn xác định tài sản vô hình là Tiêu chuẩn Thẩm định giá số 13 – Thẩm định giá tài sản vô hình (Ký hiệu: TĐGVN 13) ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Văn bản đã hướng dẫn cách thức thẩm định giá tài sản vô hình; Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 127/2014/TT-BTC ngày 05/9/2014 hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp; Luật Sở hữu trí tuệ (các năm 2005, 2009, 2019).

Quy định về phương pháp định giá được thể hiện trong một số văn bản pháp luật như: Luật Giá số 11/2012/QH13; Nghị định số 89/2013/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Thông tư số 06/2014/TT – BTC ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 13; Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT – BKHCN – BTC giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, TSTT sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 10/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. 

Hiện nay, việc định giá TSTT được thực hiện bằng 3 phương pháp cơ bản, đó là: phương pháp chi phí, phương pháp thị trường và phương pháp thu nhập. Trong đó, cách tiếp cận từ thị trường sẽ xác định giá trị của TSTT căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các TSTT tương tự có giá giao dịch trên thị trường.

Cách tiếp cận từ chi phí căn cứ vào chi phí tái tạo ra TSTT, giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế, để tạo ra một TSTT tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành. Còn riêng với cách tiếp cận từ thu nhập sẽ tiến hành xác định giá trị của TSTT thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và chi phí tiết kiệm do TSTT mang lại. Theo phương pháp này, giá trị TSTT là giá trị hiện tại của dòng thu nhập có được từ TSTT trong tương lai với tỷ lệ chiết khấu thích hợp. 

Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá trị thương hiệu là để góp phần xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp khi định giá doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Theo đó, giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Như vậy, Thông tư này dựa trên phương pháp chi phí để xác định giá trị thương hiệu.

Thông tư số 127/2014/TT-BTC quy định việc xác định giá trị “thương hiệu” là để góp phần xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp khi định giá doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa: “Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp… và Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 Thẩm định giá tài sản vô hình đã hướng dẫn cách thức thẩm định giá tài sản vô hình.

Do vậy, việc xác định giá trị thương hiệu để góp phần xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp khi doanh nghiệp cổ phần hóa “Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp”. Theo quy định của Thông tư này, cách tính giá trị của tên thương mại dựa theo phương pháp chi phí quá khứ và giá trị thương hiệu được hình thành từ giá trị nhãn hiệu và tên thương mại[3].

Tuy nhiên, theo tác giả, quy định này là chưa phù hợp, không nên quy định giá trị “thương hiệu” là căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, nên quy định giá trị của tên thương mại là căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp vì “thương hiệu” không phải là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.

2. Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về xác định giá trị tài sản là tên thương mại của doanh nghiệp

TSTT là loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó, nhưng lại có giá trị và khả năng sinh ra lợi nhuận, do đó, để thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ, cần nắm rõ TSTT. Song hiện nay, việc định giá TSTT khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình, xuất phát từ các nguyên nhân sau:

– Chưa có một văn bản quốc tế nào điều chỉnh việc định giá TSTT, vì vậy, việc định giá chủ yếu vẫn được thực hiện theo hướng dẫn về định giá các tài sản vô hình số 4 do hội đồng định giá quốc tế[4] (IVSC) công bố. Hướng dẫn này được coi là một tài liệu mang tính tham khảo chung.

– Ở Việt Nam, các quy định về định giá TSTT  còn khá sơ sài, các văn bản pháp luật hầu như không điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá TSTT mà chỉ đề cập tới các quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức dựa trên tính toán của tài sản vô hình trong đó bao gồm cả TSTT. Ngay cả trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019 và các văn bản chuyên ngành cũng chưa có một quy định cụ thể nào về định giá TSTT. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp thường rất lúng túng khi định giá các tài sản, đôi khi có việc định giá sai, thấp hơn so với giá trị thực tế đem lại những hậu quả đáng tiếc cho các doanh nghiệp.

– Định giá là loại hoạt động chuyên môn vừa mang tính kinh tế – kỹ thuật, tính pháp lý, vừa mang tính xã hội. Hoạt động định giá hình thành, tồn tại và phát triển gắn liền với sự hình thành, tồn tại và phát triển của thị trường nhưng hoạt động định giá TSTT vẫn chưa được quan tâm đúng mức; còn có ít tổ chức định giá TSTT có uy tín; những quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng về định giá TSTT còn chưa được phổ biến rộng rãi, do đó, gây không ít khó khăn cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, kinh doanh.

3. Một số kiến nghị

Một là, Việt Nam cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về định giá TSTT để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Các nghị định, văn bản hướng dẫn cần bổ sung quy định về các phương pháp định giá như đã đề cập ở các nội dung trước để các chủ thể có thể lựa chọn phương pháp phù hợp với điều kiện của mình.

 Hai là, đối với tên thương mại của doanh nghiệp cần có những quy định cụ thể như: “Thương hiệu” có được coi là tài sản cố định vô hình, thương hiệu được tạo thành từ yếu tố nào (chứ không chỉ là nhãn hiệu và tên thương mại như hiện nay) trong nhóm đối tượng được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ, bởi khái niệm thương hiệu theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là một dấu hiệu của nhà sản xuất gắn lên mặt, lên bao bì hàng hóa, nhằm khẳng định chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Thương hiệu thường được gắn liền với quyền sở hữu của nhà sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức. Báo cáo thường niên của WIPO cũng chỉ ra rằng: xây dựng thương hiệu là một trong những cơ chế quan trọng nhất đối với doanh nghiệp để đảm bảo lợi nhuận vào việc đổi mới sản phẩm”[5].

Tên thương mại không được định giá nếu việc chuyển nhượng tên thương mại đó không đi kèm với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. Pháp luật ghi nhận có nhiều cách thức để chủ sở hữu thực hiện quyền định đoạt của mình đối với tên thương mại, nhưng khi định đoạt đối với tên thương mại chủ sở hữu cần lưu ý: Quyền chuyển nhượng cho người khác toàn bộ quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức ký kết hợp đồng bằng văn bản (gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp) phù hợp với quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế; đồng thời việc chuyển giao tên thương mại phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh với tên thương mại đó. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa chuyển giao quyền sở hữu tên thương mại so với chuyển giao các tài sản thông thường khác.

Ba là, chú trọng xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích việc khai thác các khía cạnh thương mại củaTSTT. Để tăng cường hoạt động này, Bộ Tài chính và cơ quan sở hữu trí tuệ cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn về định giá TSTT, tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ, đảm bảo chất lượng đào tạo, không ngừng nâng cao năng lực và trình độ cho các cán bộ chuyên trách định giá TSTT. 

Bốn là, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về vai trò của TSTT và định giá TSTT đối với sự phát triển doanh nghiệp. Việc không chú trọng tới giá trị các TSTTchính là nguyên nhân dẫn đến những sự thất thoát nguồn vốn, thiệt hại lợi ích của doanh nghiệp trong các hoạt động cổ phần hóa, liên doanh, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp thời gian vừa qua[6]. 

Để có thể quản lý và khai thác giá trị các TSTT một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải chú trọng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng chiến lược quản lý, kiểm soát TSTT phù hợp để phản ánh đầy đủ và chính xác giá trị tài sản vô hình nói chung và TSTT nói riêng. Doanh nghiệp cần xác định xem những loại TSTT nào cần được định giá, ví dụ: doanh nghiệp cần xác định: Tài sản có khả năng nhận diện không; Tài sản có tạo ra các lợi ích cho doanh nghiệp không; Tài sản có được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không; Tài sản có thể được chuyển nhượng không.  

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1. Hoàng Lan Phương (2012), Khắc phục những bất cập của pháp luật Việt Nam về định giá tài sản trí tuệ, Tạp chí Chính sách và Quản lý khoa học và công nghệ, tập 1 số 2, 62-72.

2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư 06/2014/TT-BTC về Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 Thẩm định giá tài sản vô hình.

3. Trung tâm Thương mại quốc tế (UNCTAP), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (2004), Những điều chưa biết về sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ, Geneva.

4. Đoàn Văn Trường (2007), Các phương pháp thẩm định giá quyền sở hữu trí tuệ, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.

5. Lê Minh Thái (2017), Hoàn thiện quy định về định giá tài sản trí tuệ trong điều kiện hội nhập kinh tế, Tạp chí Tài chính online,

https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/hoan-thien-quy-dinh-ve-dinh-gia-tai-san-tri-tue-trong-dieu-kien-hoi-nhap-kinh-te-127276.html

6. https://int/pressroom/en/arcticles/2013/ arcticles -0024.html.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTập đoàn Cen Group kích hoạt chiến dịch “Home now for Vietnam stronger”
Bài tiếp theoPhấn đấu 100% thủ tục hành chính thuế được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây