Hà Nội: Xử lý 507 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong tháng 3

0
58

Theo thông tin của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội, trong tháng 3 tình hình cung cầu thị trường hàng hóa cơ bản bình ổn. Tình hình buôn bán, vận chuyển các hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm diễn ra với quy mô, mức độ không lớn.

Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như đồ gia dụng, đồ điện tử, thuốc lá, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ tùng xe máy…

Cụ thể, trong tháng 3/2024, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra và xử lý 507 vụ. Khởi tố 08 vụ đối với 14 đối tượng. Thu nộp ngân sách nhà nước 319 tỷ 613 triệu đồng.

Trong tháng 3/2024 Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nôi đã xử lý hàng nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 319 tỷ đồng (Ảnh các lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra hàng hóa vi phạm)

Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, nắm bắt hoạt động diễn biến tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ, thương mại, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các lĩnh vực, mặt hàng nhạy cảm, thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, khoáng sản, phân bón, thực phẩm…

Bên cạnh đó, là làm tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố trong công tác tham mưu các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố.

Trong tháng, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thanh tra, kiểm tra 82 vụ, xử lý 55 vụ. Phạt hành chính 778 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 2 tỷ 844 triệu đồng.

Cùng với đó, Công an Thành phố Hà Nội, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình các địa bàn, tuyến trọng điểm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng lậu, tập trung vào các các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2024 như pháo nổ, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm…

Trong tháng, Công an Thành phố đã kiểm tra 148 vụ, xử lý 182 vụ (trong đó xử lý 34 vụ tồn), phạt hành chính 1 tỷ 492 triệu đồng; trị giá hàng vi phạm 2 tỷ 942 triệu đồng. Khởi tố 08 vụ đối với 14 đối tượng.

Cục Hải quan Thành phố Hà Nội, chỉ đạo lực lượng Hải quan thực hiện công tác tuần tra, nắm tình hình tại các địa bàn của hải quan; tập trung kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, hàng hóa kém chất lượng.

Trong tháng, Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 77 vụ, phạt hành chính 2 tỷ 690 triệu đồng.

Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã, triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 389 Thành phố về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu; tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý.

Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Về triển khai nhiệm vụ cho tháng tiếp theo, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng Thành phố Hà Nội, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, yêu cầu các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, chú trọng kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm; quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm và các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về con người trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Cạnh đó, tăng cường phối hợp, chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và người dân trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền hình, báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcXuất cấp hơn 1.019 tấn gạo hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2023 – 2024
Bài tiếp theoCân nhắc quy định mở rộng đấu giá biển số xe

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây