Xu hướng thuê nhà để giảm áp lực tài chính

0
160

Thị trường bất động sản (BĐS) tại các thành phố lớn trong 2 năm trở lại đây chứng kiến sự gia tăng chóng mặt về giá bán cả chung cư lẫn đất nền. Đặc biệt quý I/2021, cơn sốt đất nền kèm theo tăng giá nhà đã “càn quét” qua nhiều tỉnh, thành. Tại ngoại ô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá nhà đất đã thiết lập mặt bằng mới.

Khó sở hữu nhà

Cách đây 2 năm, trên thị trường căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu nguồn cung và tỷ lệ giao dịch, thậm chí phân khúc này ở Hà Nội chiếm đến hơn 80%. Giá bán ở thị trường sơ cấp cho phân khúc bình dân lúc đó là từ 21 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, hiện nay ghi nhận ở các dự án mới mở bán, giá đã từ 30 triệu đồng/m2, trung bình một căn hộ tầm trung 2 phòng ngủ có giá từ 2,3-2,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại TP. Hồ Chí Minh một năm trở lại đây, phân khúc bình dân gần như “biến mất”. 

Hồi cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay, hiện tại ở TP. Hồ Chí Minh, người thu nhập thấp khó có cơ hội sở hữu nhà, vì giá nhà đã tăng 10-15% trong vòng một năm. Phân khúc bình dân đã biến thành phân khúc trung cấp, dự án trung cấp biến thành cao cấp. Điều đáng nói, giá tăng nhưng chất lượng nhà không tăng.

Một khảo sát về thị trường Hà Nội của Savills Việt Nam cho thấy, giá chào bán sơ cấp trung bình 35 triệu đồng/m2, tăng 5% theo năm; hạng B tăng mạnh nhất với 11% theo năm. Nhu cầu đối với các sản phẩm có giá từ 25-35 triệu đồng/m2 tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số căn bán được với 38%. Còn ở vùng ven, một số dự án gắn “mác” cao cấp có mức giá từ 35-50 triệu đồng/m2.

Tại TP. Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng 6% so với quý IV/2020. Trong khi đó, hồi quý IV/2020, mức giá căn hộ cũng đã ở ngưỡng khá cao, từ 35 triệu đồng/m2, các căn hộ giá 25 triệu đồng gần như không còn. Thậm chí, thời gian gần đây còn xuất hiện căn hộ siêu cao cấp với giá 700 triệu đồng/m2 gây “choáng” cho thị trường.

Theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường JLL Vietnam, trong quý I/2021, giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.468 USD/m2, ổn định theo quý và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn theo CBRE, giá bán thị trường sơ cấp quý I trung bình ở mức 33 triệu đồng/m2, tăng 7% theo năm và 3% theo quý. Mức giá bán phân khúc cao cấp và bình dân tăng lần lượt 9% và 5% theo quý.

Một số chuyên gia cho rằng, giá nhà đất thời gian qua đã cao, cộng thêm sốt đất trên khắp mọi miền đất nước trong quý I/2021 đã khiến nhiều người có thu nhập thấp ở thành thị khó có cơ hội được sở hữu nhà.

Lựa chọn khôn ngoan

Trong khi đó, thời gian gần đây do đại dịch Covid-19, nhiều gia đình có nhà cho thuê lâm vào cảnh “bi đát” bởi vắng khách. Đây là một cơ hội để những người có nhu cầu về nhà ở lựa chọn cho mình chỗ ở phù hợp, thay vì sở hữu nhà riêng.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Cầu Giấy) cho biết, thu nhập cả gia đình 30 triệu đồng/tháng, nếu vay mượn ngân hàng mua căn hộ 2,3 tỷ đồng thì vài chục năm nữa mới có thể trả xong số tiền nợ, đồng thời tằn tiện chi tiêu sinh hoạt cho gia đình 3 người. Do đó, chị quyết định thuê căn hộ chung cư ngay phố Trần Đăng Ninh với giá 4,5 triệu đồng/tháng.

Chị Hạnh chia sẻ, ngoài số tiền trả thuê nhà và chi tiêu sinh hoạt, gia đình tiết kiệm được 10 triệu đồng/tháng, mọi áp lực về tài chính không bị đè nặng. May mắn thì 5-10 năm nữa, chị cũng có thể mua được một căn chung cư đã sử dụng.

Chị Nguyễn Tú Hương mới từ Hà Nội chuyển vào TP. Hồ Chí Minh công tác cũng đắn đo trước quyết định vay ngân hàng mua nhà hay thuê nhà. Cuối cùng, cả gia đình thống nhất thuê nhà ở quận Bình Thạnh, vừa gần cơ quan làm việc, tiện con cái học hành mà không bị áp lực tài chính hàng tháng. Hơn nữa, chị Hương cũng có suy nghĩ căn hộ chung cư rồi sẽ xuống cấp theo thời gian, giá sẽ ngày càng giảm, đi thuê một thời gian, sau đó chị có thể tìm căn hộ cũ để mua. Đó cũng là một cách chị chuẩn bị cho tương lai được thuận lợi hơn.

Trước đó, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chia sẻ với báo chí: Thuê nhà là xu hướng của thời kỳ hiện đại. Thay vì phải mua nhà do chi phí quá cao, người dân hoàn toàn có thể đi thuê để giảm áp lực tài chính. Việc đi thuê nhà cũng là một cách tiết kiệm “tiền đẻ ra tiền” để sau họ có thể sở hữu nhà mà không phải lo lắng về tiền.

Một số chuyên gia cho rằng, việc đi thuê nhà vừa kinh tế hơn, chủ động hơn, vừa giải quyết rất tốt cho những người có nhu cầu về nhà ở. Mặt khác, theo ghi nhận thời gian qua, tình trạng lùm xùm, tranh chấp ở các chung cư xảy ra triền miên. Đa phần những bức xúc là người chủ của căn hộ gánh chịu, còn người thuê nhà chỉ cần hàng tháng trả tiền là có thể “ăn ngon, ngủ ngon”.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBộ Xây dựng: Giá đất nền tăng nóng ở nhiều địa phương
Bài tiếp theoMối quan hệ giữa đổi mới công nghệ với tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường chứng khoán

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây