Nghiên cứu sử dụng dữ liệu theo quý từ quý I/2001 đến quý IV/2019. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế có tác động cùng chiều đến sự phát triển TTCK, trong khi đó các yếu tố đổi mới công nghệ, lạm phát và tăng trưởng cung tiền tác động ngược chiều đến sự phát triển TTCK. Trong ngắn hạn thì sự phát triển TTCK tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế, biến đổi công nghệ, lạm phát và cung tiền giải thích được 30,96% sự thay đổi của sự phát triển TTCK.
Khái quát các nghiên cứu trên thế giới
TTCK đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia (Nguyễn Thành Long, 2010). TTCK được xem như “hàn thử biểu” của một nền kinh tế, nó có thể phản ánh chính xác triển vọng kinh tế cho giai đoạn sắp tới. Giá chứng khoán tăng và TTCK phát triển bền vững cho thấy nền kinh tế đang phát triển và ngược lại, giá chứng khoán giảm lại là dự báo không mấy tốt đẹp về triển vọng của nền kinh tế trong tương lai gần.
Hiện nay, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế (GDP) và TTCK cũng là một trong những vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu và xã hội rất quan tâm Long (2010). Một số nhà kinh tế chứng minh sự phát triển của TTCK có tác động tích cực, là nhân tố ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển kinh tế.
Bencivenga, Smith và Starr (1996), Levine (1997) cho rằng, tính thanh khoản của TTCK là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế. Kết quả nghiên cứu của các nghiên cứu trên cho thấy sự phát triển của thị trường tài chính có ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của nền kinh tế và đây là mối quan hệ nhân quả trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, cũng có một số nhà kinh tế chứng minh điều ngược lại, cụ thể Morck, Shleifer và Vishny (1990) cho rằng, sự phát triển của TTCK còn có thể làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế thông qua những ảnh hưởng tiêu cực nảy sinh từ các hoạt động thâu tóm, sáp nhập.
Từ những năm đầu thập niên 1990 đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tương đối nhanh và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Những thành công trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần làm cho chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện theo hướng bền vững và ổn định.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được đánh giá là chưa đi cùng với quy mô nền kinh tế (Trần Bá Thọ – 2019). Thực tế này đặt ra yêu cầu cần thiết phải có sự đánh giá sự tác động của đổi mới khoa học công nghệ đến phát triển kinh tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, để từ đó có các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới về mối quan hệ giữa phát triển thị trường chứng khoán, đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều tranh luận khác nhau bởi vì nội tại phát triển các quốc gia khác nhau, sự đầu tư của chính phủ khác nhau…
Tuy nhiên, các kết quả có cùng có điểm chung là chúng có quan hệ nhân quả hai chiều, do vậy nghiên cứu tác động giữa chúng là dạng quan hệ nhân quả.
Theo các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới về mối quan hệ giữa phát triển TTCK, đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế thì các kết quả nghiên cứu có nhiều khác biệt giữa các thị trường, thậm chí có kết quả nghiên cứu trái chiều nhau, song các kết quả cùng có điểm chung là có tồn tại mối quan hệ nhân quả hai chiều và mối quan hệ thuận chiều cũng như nghịch chiều cho các biến số quan trọng này. Nghiên cứu này nhằm tìm ra bằng chứng quan hệ giữa phát triển TTCK, đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Dữ liệu và kết quả nghiên cứu
Trong bài viết, tác giả thu thập dữ liệu từ thị trường chứng khoán từ Sở Giao dịch TP. Hồ Chí Minh (HOSE), trong khi Dữ liệu GDP, chỉ số lạm phát, cung tiền M2 được thu thập từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Dữ liệu được thu thập từ quý I/2001 đến quý IV/2019 vì giai đoạn từ 2000-2005 vốn hóa thị trường chỉ đạt mức trên dưới 1% GDP. Chỉ số chuyển đổi công nghệ nhận giá trị 1 nếu quý đó chỉ số chuyển đổi công nghệ của Việt Nam trên 50 điểm và nhận giá trị 0 khi quý đó chỉ số chuyển đổi công nghệ của Việt Nam < 50 điểm được thu thập từ “Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu và báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019”.
Về phương pháp nghiên cứu, tác giả sử dụng mô hình vectơ hiệu chỉnh sai số VECM (một dạng mở rộng của mô hình ECM) bởi mô hình này sẽ giải quyết rất tốt khi các biến khó xác định ngoại sinh và nội sinh, nghiên cứu này nhằm lượng hoá
mối quan hệ nhân quả giữa sự phát triển của TTCK, đổi mới công nghệ và nền kinh tế. Mối quan hệ này được thể hiện trên hai góc độ:
Quan hệ giữa sự phát triển thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ trong ngắn hạn
Kết quả hồi quy VECM trong ngắn hạn cho thấy, tăng trưởng kinh tế thúc đẩy phát triển TTCK ở mức ý nghĩa 5%. Khi tăng trưởng kinh tế tăng 1% thì TTCK tăng trưởng 4,29% với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Trong khi đó, sự biến đổi công nghệ, tỷ lệ lạm phát và mức tăng trưởng cung tiền tác động ngược chiều đến sự phát triển TTCK ở mức ý nghĩa lần lượt là 1%, 1% và 10%. Khi thay đổi công nghệ tăng 1% thì TTCK giảm 17,92% với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Khi tỷ lệ lạm phát tăng 1% thì TTCK giảm 5,82% với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Khi cung tiền tăng 1% thì TTCK giảm 0,23% với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi.
Quan hệ giữa sự phát triển thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ trong dài hạn
Kết quả cho thấy, phản ứng của biến đổi công nghệ đối với cú sốc của phát triển TTCK là dương và có chiều hướng giảm nhẹ từ quý thứ sáu 6 đến quý thứ 10 trong giai đoạn nghiên cứu. Bên cạnh đó, kết quả cho thấy, phản ứng của biến đổi công nghệ đối với cú sốc của phát triển TTCK tốt nhất là vào giai đoạn quý thứ 3 và 4. Sau đó có dấu hiệu suy giảm từ giai đoạn quý thứ 6 đến giai đoạn quý thứ 10 kế tiếp.
Đặc biệt đáng lưu ý nhất là phản ứng của biến đổi công nghệ đối với cú sốc của phát triển TTCK là dương và giảm nhẹ ở giai đoạn từ quý thứ 5 đến giai đoạn quý thứ 10. Như vậy, hàm phản ứng của biến đổi công nghệ đối với cú sốc của phát triển TTCK dù ở mức nào cũng thể hiện chiều hướng dương và tác động tích cực đối với biến đổi công nghệ.
Nhìn chung, xét về dài dạn tác động giữa tăng trưởng kinh tế đến TTCK và giữa đổi mới công nghệ đến tăng trưởng kinh tế là có xu hướng hỗ trợ rõ rệt, trong khi các tác động khác chỉ có tính chất ngắn hạn.
Kết luận
Nghiên cứu đã chứng minh tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa thị trường chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và đổi mới công nghệ kể cả trong dài hạn và ngắn han. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối quan hệ giữa phát triển thị trường chứng khoán, đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua các kiểm định đồng liên kết và đồng tích hợp.
Xét về dài dạn thì tác động giữa tăng trưởng kinh tế đến TTCK, và giữa đổi mới công nghệ đến tăng trưởng kinh tế là có xu hướng hỗ trợ rõ rệt. Do vậy, tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững là yếu tố căn cơ để phát triển thị trường chứng khoán, chính sản xuất thịnh vượng mới thật sự tạo ra sản phẩm và của cải cho xã hội.
Nghiên cứu cũng cho thấy đổi mới công nghệ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, điều này thể hiện tính nhất quán mà chính phủ đang gia tăng thúc đẩy đổi mới công nghệ, đầu tư, hỗ trợ phát triển hoạt động đổi mới công nghệ trên cả khía cạnh vi mô và vĩ mô. Tuy nhiên, thực tế chung cho thấy đa phần các DN Việt Nam hiện nay thường có quy mô vừa và nhỏ, với nguồn lực tài chính còn hạn chế, cho nên hoạt động đổi mới công nghệ vẫn chưa thật sự chú trọng.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến phương thức sản xuất của DN. Đây là yêu cầu sống còn của DN trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay giúp gia tăng năng lực, cải thiện năng suất, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển TTCK.
Trong dài hạn, đổi mới công nghệ có tác động thúc đầy phát triển TTCK và giúp tăng trưởng kinh tế, chính vì như thế các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, bên cạnh đó chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào đổi mới công nghệ, ngoài đáp ứng xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, còn là yếu tố theo chốt giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Thành Long (2010), Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020, Tlđd, 2010, tr.127;
2.Trần Bá Thọ (2019), “Đánh giá vai trò của khoa học – công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam”. Tạp chí Tài chính, kỳ 1, số tháng 10/ 2019;
3.The Global Competitiveness Report, (2019), Tìm hiểu về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Diễn đàn kinh tế thế giới. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
4.Morck, Shleifer and Vishny (1990), Do Managerial Objectives Drive Bad Acquisitions? The Journal of Finance, Vol. 45, No. 1 (Mar., 1990), pp. 31-48;
5.Raymond W. Goldsmith (1969), Financial Structure and Development (Study in Comparative Economics). Hardcover publisher.