Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

0
163

Tổng kết về Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn khẳng định, sau 10 năm triển khai, toàn ngành Thuế đã xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả, hiệu lực của Đảng và Nhà nước.

Trong giai đoạn này, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đã hoàn thành xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao…

Phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, hiện nay, Ban soạn thảo Chiến lược đang khẩn trương nghiên cứu và phối hợp với các đơn vị có liên quan để sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030. Trong đó, dự kiến tập trung triển khai thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ năm 2021 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030.

Nhằm đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu đề ra, tạo tiền đề để ngành Thuế triển khai thắng lợi toàn bộ Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030, Tổng cục Thuế đặt rõ các mục tiêu đổi mới đồng bộ hệ thống chính sách thuế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, đảm bảo tính ổn định, bền vững của quy mô nguồn lực; Có mức động viên hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần thiết lập môi trường kinh tế cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số.

Trong giai đoạn này, ngành Thuế sẽ cùng các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh…, phấn đấu đến năm 2030 môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Song song với đó, ngành Thuế sẽ tập trung xây dựng nhanh nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Theo các chuyên gia tài chính, chiến lược cải cách hệ thống thuế có tác động nhiều mặt đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó, cơ cấu thu ngân sách nhà nước bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng cần đạt được.

Theo PGS., TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, so với mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 cần bổ sung thêm một số nội dung cải cách thuế để phản ánh đầy đủ các tiêu chuẩn của hệ thống thuế hiện đại.

Cụ thể như: Về cải cách chính sách thuế, mục tiêu cao nhất là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những phân khúc tạo ra giá trị cao.  

Hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được sửa đổi, bổ sung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đáp ứng tốt yêu cầu chủ động hội nhập và hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích thu hút cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, hệ thống chính sách thuế tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao hơn nữa tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2025 đạt trên 85% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2030 đạt 90% tổng thu ngân sách nhà nước. 

Năm 2020, ngành Thuế đã triển khai dịch vụ thuế điện tử (khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử) trên toàn quốc, cơ bản đáp ứng yêu cầu về triển khai Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Cụ thể, về khai thuế, đối với người nộp thuế là doanh nghiệp, Tổng cục Thuế đã triển khai dịch vụ khai thuế điện tử tại tất cả 63 Cục thuế cấp tỉnh và 100% Chi cục thuế trực thuộc; đã phối hợp với 54 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử chiếm tỷ lệ 99,53% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; đã triển khai hoàn thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử đạt 93,61%, tỷ lệ hồ sơ hoàn tiếp nhận bằng phương thức điện tử đạt 95,80%.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNguyên tắc lập và trình bày báo cáo quyết toán của các đơn vị hành chính, sự nghiệp
Bài tiếp theoLý thuyết các bên liên quan và hiệu quả các công ty niêm yết tại Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây