Vùng ven Hà Nội: Nhà đầu tư ôm hàng chờ “sóng”

0
187

Các huyện vùng ven tiếp tục được săn đón

Anh Đỗ Văn Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhà đầu tư mới cho hay, thời điểm này, giá đất khu vực vùng ven đang có phần hạ xuống thấp hơn so với đỉnh sốt hồi đầu năm, do đó, anh cùng nhiều nhà đầu tư khác đang tìm kiếm quỹ đất phù hợp để đầu tư, đợi sóng. 

“Cơn sốt đất hồi đầu năm rất thu hút tôi khi nhiều bạn bè lướt sóng thắng đậm, nhưng mình tay ngang còn non kinh nghiệm nên không dám đầu tư. Phần vì lo tài chính còn ít, lỡ “lướt” không thành công thì thâm hụt luôn số vốn đã tích cóp nhiều năm qua mới có được. Đến giờ, sốt đất đã hạ, cũng có thêm chút vốn nên tôi quyết định đầu tư thời điểm này để kỳ vọng sinh lời trong tương lai”, anh Hoàng nói. 

Theo đó, sau gần 2 tuần khảo sát, tìm kiếm đất nền tại nhiều khu vực, anh Hoàng đã “chốt hạ” 2 lô đất ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh với giá 17 triệu đồng/m2, đang chờ đổi sổ đỏ. 

“Cứ tưởng là sốt đất hạ thì giá rẻ hơn, nhưng tham khảo giá một số nơi khác, tôi thấy giá vẫn cao. Tuy nhiên, đất không “nở” ra thêm, khu vực này giá sẽ còn lên nữa khi đường Vành đai 4 khởi công, nếu giờ không mua sẽ mất cơ hội, nên tôi quyết định xuống tiền”, anh Hoàng chia sẻ. 

Trên thực tế, cơn sốt đất mạnh mẽ từ hồi đầu năm đã hạ nhiệt trong nhiều tháng qua, tuy nhiên, cơn sốt giá vẫn ở lại. Nhiều nơi, giá còn tăng ăn theo các dự án hạ tầng lớn. Tuy nhiên khác với trước đây, dù giá đất liên tục tăng trong thời gian qua, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng có thể tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt là khi các dự án hạ tầng, quy hoạch được triển khai và hoàn thiện, sẽ còn thêm các đợt sốt đất, đặc biệt là khi thị trường chênh lệch cung cầu như hiện nay.

Anh Trần Quang Đăng, một môi giới hoạt động thường xuyên tại Mê Linh cho biết, hiện lượng giao dịch ở văn phòng môi giới của anh đang ở mức tương đối. Mức giá vẫn cao tuỳ vào khu vực, đường sá. Khách hàng của văn phòng mua vào chủ yếu để chờ “đón sóng” do họ nghe thông tin huyện Mê Linh có các dự án chuẩn bị khởi công.  

“Khoảng 2 tháng nay, văn phòng đã giao dịch được 27 lô đất, hiện chỉ mới tách thửa và đang chờ ra sổ, diện tích mỗi lô khoảng 46 – 70m2 với giá dao động khoảng 29 – 54 triệu đồng/m2. Những lô này đã bán hết cho các nhà đầu tư F0, nhưng hiện giờ đã có hơn 50% số lô được các nhà đầu tư F1 đặt cọc mua lại. Thậm chí có cả những nhà đầu tư F2 cũng đang đặt cọc vài lô. Có người mua một lúc 3 – 4 lô để đó”, anh Đăng chia sẻ.

Theo một môi giới khác tại Thắng Trí, Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), năm 2021, khi dự án khu công nghiệp sạch tại đây được phê duyệt, mặc dù mới chỉ nằm trên giấy nhưng giá đã tăng lên dần. Mặt khác, do thời điểm đầu, các nhà đầu tư mua giá rẻ rồi lại bán cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác nên giá cứ thế bị đẩy lên. Ở thời điểm hiện tại, giá đất tuy không lên nữa nhưng cũng không giảm, tùy khu vực, có nơi lên đến hơn 30 triệu đồng/m2.

“Hiện tại, nhu cầu khách hàng bán ra ít, chỉ có những người đầu tư ngắn hạn, yếu vốn thì mới ra hàng, còn những nhà đầu tư dài hạn có vốn mạnh thì họ đang có nhu cầu mua vào, có người mua một lúc 4 – 5 mảnh, “ôm” làm của để dành, đợi khi các dự án hạ tầng khởi công thì làn sóng đầu tư lại tiếp tục về”, môi giới cho biết.   

Theo ghi nhận của PV, khoảng 2 tháng nay, tại một số huyện vùng ven Hà Nội như Sóc Sơn, Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh…, lượng giao dịch diễn ra không nhiều so với thời điểm sốt đất. Song đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư lướt sóng lui về để các nhà đầu tư dài hạn bước vào đón làn sóng mới.

Đón sóng hay ôm mộng?

Có thể nói thị trường bất động sản liên tục xuất hiện “sóng giá đất” để nhà đầu tư F0 mua vào rồi thoát ra cho nhà đầu tư F1 bước vào, vòng xoáy cứ cuộn tròn cho các “F” tiếp theo. 

Thời gian qua, những “cơn sóng” đất nền đã được giới đầu cơ tạo nên liên tục tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, các huyện vùng ven Hà Nội như Đông Anh, Ba Vì, Thường Tín, Mê Linh… Hệ lụy của việc đầu tư theo kiểu đón “sóng” là các dự án ban đầu vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp, cuối cùng cũng chỉ là những mảnh đất bỏ hoang. Nếu mua vào ở “đỉnh” sóng, nhà đầu tư sau nhiều năm vẫn không thoát được hàng, dòng tiền nằm im, “chôn” vào đất, trong khi giá đất vẫn tăng, người mua thực khó tiếp cận. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, khi có những thông tin úp mở không chính thống như huyện sắp lên quận, sắp có dự án lớn hay sắp đầu tư công trình hạ tầng…, các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết thường không kiểm chứng, gọi nhau tham gia theo kiểu “làm thị trường”, đẩy giá mà không có nhu cầu sử dụng bất động sản lâu dài. Ông Đính cho rằng, chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính tốt mới nên ôm đất dài hạn. Nếu lướt sóng thì cần nghiên cứu kỹ thị trường, nắm bắt thông tin quy hoạch để khi có “sóng” có thể thoát hàng đúng lúc, đúng thời điểm.

“Đối với những người “ôm đất” đợt cuối, sau nhiều lần bị đẩy giá, chắc chắn sẽ phải ôm quả đắng, vì thanh khoản thị trường sẽ xấu đi nghiêm trọng. Gần như không có người mua lại, các nhà đầu tư thì tháo chạy, người dân địa phương không có nhu cầu và nếu có thì chỉ mua giá thấp hơn nhiều so với giá bị đẩy lên”, ông Đính nhấn mạnh.

Đánh giá về thị trường bất động sản tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, Hà Nội hiện gần như không còn bất động sản chính thống giá rẻ, trong khi nhu cầu đầu tư là quá lớn. Vì thế, các nhà đầu tư đều kỳ vọng Hà Nội sẽ thay đổi, phát triển và thúc đẩy việc triển khai các quy hoạch, đầu tư hạ tầng, nhất là những vùng ngoại ô nơi quỹ đất còn nhiều và giá còn rẻ. 

“Nếu không có sự kiểm soát tốt của cơ quản lý Nhà nước, không công bố các thông tin quy hoạch và chủ trương phát triển, nhất là đẩy nhanh công tác quy hoạch, thúc đẩy quá trình đầu tư hạ tầng, tháo gỡ các vướng mắc trong quy trình phê duyệt đầu tư… thì thị trường bất động sản tại các huyện vùng ven của Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục không thể kiểm soát, giá đất bị đẩy không tưởng, xuất hiện bong bóng và nguy cơ xấu”, ông Đính nhận định. 

Thời điểm này, theo chuyên gia, các nhà đầu tư nên bình tĩnh, không nên tham gia đầu tư bằng mọi giá, tham gia vào thị trường ảo. Cần xem xét pháp lý, quy hoạch của bất động sản, cân nhắc về việc liệu thị trường đang là nhu cầu thật hay chỉ là của các nhà đầu tư, đầu cơ với nhau. Giá cả cần phải được so sánh với những khu vực tương xứng để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcKiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia
Bài tiếp theo214 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây