Dự kiến đến cuối năm 2022, nợ công ở mức 45-46% GDP
Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý, nợ công trong 6 tháng đầu năm 2022 đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ về quản lý nợ công theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch tài chính, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), các chính sách tài khóa, tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu danh mục nợ công để góp phần đảm bảo an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia; Tiếp tục tập trung huy động vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn dài, lãi suất hợp lý để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN và góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Cơ cấu nợ Chính phủ có chuyển biến khả quan, vốn vay trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo để giảm thiểu rủi ro tỷ giá; nguồn vốn nước ngoài vẫn đáp ứng đủ các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bộ Tài chính cho biết, tổng hợp 6 tháng đầu năm 2022, huy động vốn vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ khoảng 81.398 tỷ đồng, đạt 12,1% kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 77.329 tỷ đồng (bằng 12% kế hoạch), vay về cho vay lại 4.069 tỷ đồng (15,2% hạn mức được Chính phủ phê duyệt).
Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa để ứng phó với rủi ro vĩ mô. Các khoản nợ của Chính phủ được thanh toán đầy đủ, đúng hạn theo đúng cam kết với các chủ nợ, góp phần nâng cao uy tín của Chính phủ và cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.
Các số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trả nợ của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 137.500 tỷ đồng, đạt 40,9% kế hoạch cả năm, trong đó nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 125.148 tỷ đồng (41,7% kế hoạch cả năm), trả nợ nước ngoài cho vay lại khoảng 12.353 tỷ đồng (34,3% kế hoạch).
Với việc thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, dự kiến đến cuối năm 2022, nợ công ở mức 45-46% GDP, nợ Chính phủ 41-42% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ở mức 22-23%, đảm bảo nằm trong mức trần được Quốc hội phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025.
Góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia
Cùng với kiểm soát chặt chẽ nợ công, Bộ Tài chính đã xây dựng đồng bộ hệ thống công cụ quản lý nợ chủ động thông qua Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022. Đây là 1 trong 9 chiến lược nhánh trong tổng thể hệ thống chiến lược ngành Tài chính, là cơ sở quan trọng tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả. Chiến lược nợ công đề ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu NSNN.
Trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị phổ biến và triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác quản lý nợ công đối với sự phát triển bền vững của kinh tế – xã hội; đồng thời chủ động xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình hành động cụ thể để đưa Chiến lược nợ công vào cuộc sống.
Bộ Tài chính cũng đã tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ công tác giải ngân thông qua việc theo dõi sát tiến độ giao kế hoạch vốn, tổ chức các đoàn công tác của Bộ Tài chính tại một số bộ, ngành và địa phương có số kế hoạch vốn được giao lớn; tổ chức các buổi làm việc trực tuyến, trao đổi với phía nhà tài trợ và các chủ dự án. Đồng thời, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành, địa phương sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài nhằm xác định rõ các vướng mắc lớn nhất gây cản trở tiến độ triển khai; tham gia các đoàn công tác của Chính phủ để rà soát, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài.
Đặc biệt, công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia cũng được Bộ Tài chính triển khai hiệu quả. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động sâu sắc từ đại dịch dẫn đến trên thế giới có tới hơn 35 lượt hạ bậc tín nhiệm kể từ đầu năm 2022, Việt Nam lại là một trong 2 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm.
Cụ thể, ngày 26/5/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+, triển vọng Ổn định. Theo đó, Việt Nam còn cách một bậc so với hệ số tín nhiệm mức Đầu tư, là mục tiêu đề ra tại Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030.
Việc nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần nâng cao uy tín quốc gia cũng như tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế, giảm chi phí vay thương mại của Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, tăng số lượng các nhà đầu tư tiềm năng đối với các đợt phát hành trái phiếu của Việt Nam.
Sự kiện Việt Nam được nâng hệ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị – xã hội; đồng thời, thể hiện những nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.