Thị trường chứng khoán giảm điểm, vẫn có nhiều cổ phiếu tốt để nắm giữ dài hạn
Tháng 5/2022, Vn-Index giảm 177 điểm (-21% MoM và – 6% YoY), kết thúc phiên 13/5 ở mức 1.171,95 điểm. Trong bối cảnh nhiều thông tin tiêu cực tác động tới tâm lý NĐT như (i) Bán giải chấp margin trên diện rộng toàn thị trường; (ii) Cuộc họp tiếp theo của FOMC bàn về việc nâng lãi suất của Mỹ và (iii) Khó khăn thanh khoản hệ thống khiên lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm bật tăng đã khiến cho thị trường liên tục lao dốc.
Mặc dù vậy, mức định giá P/E hiện tại của thị trường ở mức 12,73 lần, chạm ngưỡng -1 độ lệch chuẩn của trung bình P/E 10 năm và là mức định giá P/E thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Chính vì vậy, NĐT có thể tìm thấy cơ hội tại những cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn đi kèm với mức kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm nay để nắm giữ dài hạn.
Trong tháng 5, việc thị trường liên tục giảm điểm đã khiến cho thanh khoản giảm mạnh, trung bình mỗi phiên với tổng giá trị giao dịch đạt 18.749,86 tỷ đồng – giảm 29% MoM và 27% YoY. Diễn biến giao dịch trên cả 3 sàn đều sụt giảm mạnh và đều về dưới giá trị giao dịch trung bình phiên của cả năm 2021, với Vn-Index, HNX và UPCOM lần lượt giảm 27%, 36% và 48% so với tháng trước. Trong bối cảnh thị trường diễn biến không mấy tích cực khi rất nhiều cổ phiếu bị giảm sâu, tâm lý NĐT trở nên bi quan sẽ là yếu tố chủ chốt khiến cho thanh khoản thị trường chưa thể nóng ngay trở lại dù cho thị trường có hồi phục trong thời gian sắp tới.
“Trụ đỡ” cho thanh khoản của thị trường vào các tháng vừa qua là các NĐT cá nhân trong nước đã cho thấy sự suy yếu rõ rệt. Trong tháng 5, nhóm NĐT cá nhân trong nước ghi nhận mức bán ròng 2.651 tỷ đồng, đẩy tỷ trọng NĐT cá nhân trong cơ cấu giao dịch của thị trường xuống xấp xỉ 81,3 % – mức thấp nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm NĐT nước ngoài lại cho thấy sức mua mạnh mẽ khi đã mua ròng trong tháng 4 tổng cộng 1.641 tỷ đồng – gia tăng tỷ trọng của mình trong cơ cấu giao dịch thị trường lên 9,29%.
“Chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ là chủ đạo trong thời gian tới khi tâm lý của các NĐT cá nhân trong nước cần hồi phục và lấy lại được niềm tin sau một tháng đầy biến động vừa qua; cùng với đó là xu hướng mua ròng của nhóm tổ chức nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì khi thị trường đang về các mức định giá thấp trong lịch sử”, EVS nhận định.
Tính đến 13/5, khối ngoại đã cho thấy sức mua mạnh mẽ khi ghi nhận mua ròng 1.614,72 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HOSE, cổ phiếu được NĐT nước ngoài mua nhiều nhất là VNM (89 tỷ đồng), CTG (68 tỷ), VRE (55 tỷ đồng); ở chiều bán là HPG (-224 tỷ đồng), STB (–74 tỷ đồng), VCB (-46 tỷ đồng). Trên sàn HNX, NĐT ngoại tập trung mua rộng các cổ phiếu PVS (10 tỷ đồng), PVI (9 tỷ đồng), TNG (4 tỷ đồng); các cổ phiếu bị bán ròng bao gồm SHS (-27 tỷ đồng), DP3 (-1.2 tỷ đồng), THD (-0.8 tỷ đồng).
Bất chấp việc đồng USD tăng giá mạnh mẽ, việc khối ngoại liên tục giải ngân trên thị trường là yếu tố lạc quan hỗ trợ Vn-Index trong bối cảnh đà giảm trên thị trường lan rộng trong thời gian qua.
Nhóm VN30 tăng trưởng tốt trên mức nền cao của năm 2021
Trong quý I/2022, nhóm VN30 ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 7% YoY và LNST 29% YoY trong bối cảnh kết quả quý I/2021 đã ở một mức nền cao.
Trong đó, một số doanh nghiệp đã cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng như MSN (+751,7% YoY) nhờ tốc độ tăng trưởng tốt của mảng MCH và MHT; VPB (+170,8%) nhờ phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền với bảo hiểm AIA; NVL (+101% YoY) ghi nhận từ việc bàn giao một số dự án lớn; GAS (+68,9% YoY) hưởng lợi từ giá dầu và khí neo tăng cao.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ như PLX (-63,2% YoY) do biến động giá dầu thế giới và nguồn cung trong nước; VRE (-51,7% YoY) do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; CTG (-27,8% YoY) do ghi nhận trích lập dự phòng cao gấp 3 lần.
Với việc tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường khả quan (+33,2% YoY, trong đó nhóm VN30 là 29% YoY), một số công ty chứng khoán nâng mức dự phóng tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm 2022 lên 25% (tăng 3% so với dự phóng đầu năm) nhờ vào việc (i) Các doanh nghiệp trong nhóm đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm tốt (trung bình đạt 38% kế hoạch) và (ii) Mức tăng trưởng lợi nhuận vượt dự phóng cho quý I/2022.
Vn-Index năm 2022 có thể đạt 1.514 điểm?
Theo đánh giá của EVS, hiện P/E trượt thị trường đang vào khoảng 12,6-12,8 lần (tương đương mức P/E forward 11 lần với tốc độ tăng trưởng EPS 25%). Nhiều khả năng kịch bản cơ sở với P/E kỳ vọng năm 2022 đạt mức -0,5 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm là 14,01 lần, đồng thời nâng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên mức 25% (so với dự phóng 22% đầu năm), Vn-Index 2022 có thể đạt 1.514 điểm. Mức Upside toàn thị trường là 29,2% trong 6 tháng cuối năm là rất hấp dẫn, NĐT có thể cân nhắc tăng tỷ trọng danh mục vào nhóm các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao (>30%) và thị giá đã điều chỉnh sâu thời gian qua.
Đối với kịch bản tích cực, Việt Nam nhanh chóng vượt qua những khó khăn vĩ mô, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất mạnh mẽ cũng như dòng tiền thông minh sớm quay trở lại thị trường, PE năm 2022 quay về mức 16,43 (+0,5 độ lệch chuẩn), tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết lên mức 27%, giúp Vn-Index 2022 có thể đạt mức 1.755 điểm (Upside 48,5% tính từ thời điểm hiện tại).
Đối với kịch bản tiêu cực, các yếu tố vĩ mô xấu đi nhanh chóng, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao, NĐT cá nhân rút tiền ra khỏi thị trường, khối ngoại quay lại bán ròng, PE quay về vùng 10,36 (-2 độ lệch chuẩn), tăng trưởng lợi nhuận 22%, Vn-Index 2022 duy trì ở mức 1.270 điểm (Upside 8.4% tính từ thời điểm hiện tại).
Có thể thấy, với cả 3 kịch bản, Vn-Index đều tăng trưởng từ nay cho tới cuối năm, đây là cơ hội rất tốt để các NĐT dài hạn tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tài sản đầu tư của mình.