Cục Thuế Bình Định hướng dẫn kê khai tránh trốn thuế chuyển nhượng bất động sản

0
133

Theo Cục Thuế Bình Định, từ năm 2016 đến nay, nhiều dự án đầu tư bất động sản của các tập đoàn, công ty lớn được đầu tư tại Bình Định đã khiến cho thị trường bất động sản tại địa phương phát triển rất nóng. Đặc biệt, giá trị của bất động sản không ngừng tăng lên, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập, sôi động (có những khu vực giá trị lô đất tăng gấp 5-10 lần so với mặt bằng năm 2016). Trong đó, hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản giữa doanh nghiệp với cá nhân và giữa cá nhân với cá nhân thường xuyên diễn ra với tần suất giao dịch hàng ngày là rất lớn.

Tuy nhiên, thời gian qua, cơ quan thuế nhận thấy, các doanh nghiệp, cá nhân chưa quan tâm đúng mức, tìm hiểu cặn kẽ trách nhiệm, hệ quả pháp lý có thể xảy ra trước khi thực hiện ký kết hợp đồng để hợp pháp hóa giao dịch, trong đó nội dung thỏa thuận “giá chuyển nhượng của bất động sản” – nội dung quan trọng nhất, với rủi ro pháp lý lớn nhất nếu các bên kê khai gian dối, không trung thực.

Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế của mỗi cá nhân, doanh nghiệp là “chốt chặn” đầu tiên và cũng là giải pháp quan trọng, triệt để nhất để ngăn chặn tình trạng trốn thuế, tránh thuế.

Việc khai gian giá chuyển nhượng để trốn thuế nhiều năm qua trở nên rất phổ biến và được thực hiện ở hầu hết các giao dịch bất động sản, các bên giao dịch cùng thống nhất ký kết hợp đồng với một mức giá chuyển nhượng (theo bảng giá đất của UBND tỉnh) thấp hơn hàng chục lần so với giá thực tế để trốn thuế. Cục Thuế Bình Định cho rằng, điều đáng tiếc là hầu hết đều vì cái lợi nhỏ bé trước mắt mà không ý thức hết được cái hại lâu dài của hành vi này.

Bởi nếu bị cơ quan thuế, cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ, hoặc xảy ra tranh chấp pháp lý giữa các bên giao dịch, thì hậu quả có thể gặp phải đó chính là hành vi trốn thuế. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài phải nộp đủ tiền thuế trốn, còn bị phạt tiền từ 1-3 lần số thuế trốn. Trường hợp đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (trên 100 triệu đồng), thì có thể phải chịu khung hình phạt lên đến 7 năm tù giam.

Cục Thuế Bình Định dẫn chứng, mới đây, tại Phú Yên, với hành vi ghi giá chuyển nhượng trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế giao dịch, một cá nhân đang phải đối mặt với khung hình phạt tù lên đến 7 năm vì phạm tội trốn thuế; hay tại Nha Trang cũng với hành vi này đã khiến cho cả bên mua và bên bán đều phải chịu hình phạt 12 – 18 tháng cải tạo không giam giữ và phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Theo Cục Thuế Bình Định, thông thường, các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý ngay, nhưng hành vi phạm tội này đã cấu thành ngay khi ký và công chứng hợp đồng, công tác điều tra, xác minh và xử lý chỉ là việc sớm hay muộn. Tại cơ quan thuế, khi phát hiện dấu hiệu nêu trên, sẽ lập tức hoàn thiện hồ sơ, chuyển tin báo tội phạm đến cơ quan điều tra đề nghị xác minh, điều tra theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TCT ngày 7/4/2022 của Tổng cục Thuế.

Cùng với đó, đây là giao dịch không hợp pháp, thiệt hại rất lớn cho bên mua. Trong trường hợp có tranh chấp hợp đồng mua bán, khởi kiện nhau ra toà, thì khi phát hiện hai bên kê khai vào hợp đồng mua bán đã công chứng với giá thấp hơn thực tế, tòa án sẽ tuyên giao dịch vô hiệu (theo Điều 124 của Bộ luật Dân sự 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo). Theo đó, phần hoàn trả vật chất giữa hai bên sẽ căn cứ giá trị trên hợp đồng, lúc đó thiệt hại rất lớn sẽ thuộc về bên mua (thực tế người mua đã trả cho người bán số tiền lớn hơn nhiều lần so với số tiền ghi trên hợp đồng).

Ngoài ra, Cục Thuế Bình Định còn cho rằng, việc khai gian giá chuyển nhượng để trốn thuế sẽ tiềm ẩn thiệt hại về lâu dài. Khi Nhà nước thay đổi cơ chế quản lý, xây dựng được cơ sở dữ liệu giá chuyển nhượng bất động sản theo thực tế, người dân mua bất động sản khai giá mua ban đầu bao nhiêu thì lần bán sau cơ quan thuế lấy giá mua đã khai làm giá vốn để tính thuế thì lúc này số thuế phải nộp là rất lớn do chênh lệch giữa giá bán và giá mua lớn.

Cục Thuế Bình Định khẳng định, hiện nay, cơ quan thuế đã xây dựng Bảng giá tham chiếu (dựa trên cơ sở dữ liệu về giá trúng đấu giá, giá nhà nước đền bù, giá lịch sử chuyển nhượng, giá công khai của các công ty môi giới/kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản trên các website, trang mạng xã hội,…) để hỗ trợ cho các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên tham khảo, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân kê khai giá chuyển nhượng cho phù hợp.

Thời gian tới, Cục Thuế Bình Định sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp được biết. Hình thức tuyên truyền thông qua: phát “thư ngỏ” tại Văn phòng đăng ký đất đai và Bộ phận “Một cửa”; đăng tải các bài viết trên website của Cục Thuế, báo chí và các kênh thông tin xã hội (Facebook, Zalo…); tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, cổng thông tin điện tử quận, huyện, thị xã…

Theo đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, phòng ngừa tối đa những hệ lụy pháp lý của việc kê khai giá chuyển nhượng, Cục Thuế tỉnh Bình Định khuyến nghị các bên kê khai trung thực giá chuyển nhượng, với nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, như: được giải quyết thủ tục hành chính sớm nhất, do hồ sơ đạt độ tin cậy cao sẽ được công chức quản lý thông qua rất nhanh…

Việc kê khai trung thực cũng sẽ tránh thiệt hại khi xảy ra xung đột, khởi kiện. Khi ký kết hợp đồng công chứng với giá thực tế chuyển nhượng thì các bên sẽ được hoàn trả lại theo đúng những gì đã giao dịch. Đồng thời, việc đóng thuế đầy đủ sẽ phản ánh đúng giá vốn của bất động sản, theo đó ở lần chuyển nhượng tiếp theo, việc tính thuế sẽ không bị ảnh hưởng khi giá vốn được ghi nhận đúng thực tế.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn hành vi trốn, tránh thuế, bên cạnh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về thuế. Đồng thời, tiếp tục quản lý tốt, phát huy vai trò của các tổ chức hành nghề công chứng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ công chứng viên, không để xảy ra tiêu cực trong hoạt động công chứng.

Người nào trốn thuế lần đầu dưới 100 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính. Nếu trốn thuế dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc từng bị kết án về tội này, hoặc trốn thuế từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tiền 100-500 triệu đồng, hoặc bị kết án từ 3 tháng đến 1 năm tù. Nếu trốn thuế từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm…

(Theo Điều 200, Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự 2017)

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcVn-Index có thể lại đạt mốc 1.514 điểm?
Bài tiếp theoSiết chặt nguồn vốn huy động từ quốc tế: Doanh nghiệp có gặp khó?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây