Trong thời gian tới, cơ quan thuế Việt Nam sẽ phối hợp với các nước ASEAN tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác trong quản lý thuế nhằm mục tiêu phát triển các mạng lưới hợp tác trong khu vực để có thể chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung mà các cơ quan thuế đang phải đối mặt. Ðồng thời, thực hiện hiệu quả cơ chế hợp tác giữa các cơ quan quản lý thuế trong các lĩnh vực như trao đổi thông tin, thủ tục thỏa thuận song phương để xóa bỏ việc đánh thuế trùng…
Những chuyển biến tích cực của ngành Thuế Việt Nam
Trong những năm qua, ngành Thuế Việt Nam đã tích cực thực hiện các biện pháp cải cách thủ tục hành chính thuế góp phần cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đánh giá cao. Cùng với đó, ngành Thuế luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN) được giao. Cụ thể, trong giai đoạn 2006-2010, tổng thu NSNN đạt bình quân 26,34% GDP (mục tiêu kế hoạch là 20 – 21% GDP); đạt 23,56% GDP trong giai đoạn 2011-2015 (mục tiêu kế hoạch là 23-24% GDP); đạt 25,34% GDP trong giai đoạn 2016-2019. Xét theo số tuyệt đối, tổng thu NSNN thực hiện đều vượt khá so với dự toán Quốc hội giao (năm 2016 vượt khoảng 93 nghìn tỷ đồng; năm 2017 vượt khoảng 81 nghìn tỷ đồng; năm 2018 vượt hơn 105 nghìn tỷ đồng, năm 2019 vượt 139 nghìn tỷ đồng).
Cơ cấu thu NSNN có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN để có thể bù đắp thuế xuất nhập khẩu giảm, do thực hiện các cam kết khi Việt Nam tham gia các tổ chức thương mại quốc tế và khu vực. Đến năm 2020, dự kiến tỷ lệ thu nội địa đạt khoảng 84% trong tổng thu NSNN, có sự gia tăng đáng kể so với các giai đoạn trước (giai đoạn 2006 – 2010 là 58,9%, giai đoạn 2011-2015 là 68%).
Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác thu NSNN, việc cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế cũng được ngành Thuế chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, các giải pháp cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, qua đó góp phần giảm chi phí, thời gian cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Cùng với đó, ngành Thuế đã đẩy mạnh điện tử hóa trong các giao dịch của người nộp thuế như sử dụng hóa đơn điện từ, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử. Thống kê cho thấy, đến tháng 9/2020 đã có 790.924 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,65% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Về nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tích hợp hệ thống quản lý thuế với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến tháng 9/2020, ngành Thuế đã tích hợp được 120 thủ tục lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được công bố ngày 19/8/2020 là dịch vụ kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô, xe máy.
Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đã được ghi nhận tại Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, cụ thể: Năm 2019, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, đưa Việt Nam từ vị trí 131 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách hành chính thuế ngày càng tăng. Cụ thể, kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2019 là 7,79 điểm (làm tròn 7,8 điểm – tương đương 78%), tăng 3% so với năm 2016. Những thành tựu này thể hiện những nỗ lực của ngành Thuế trong công tác phục vụ người nộp thuế, góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Khẳng định vai trò, trách nhiệm tại các diễn đàn thuế quốc tế
Trong quá trình hội nhập quốc tế, ngành Thuế Việt Nam cũng luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình tại các Diễn đàn thuế quốc tế. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn thuế ASEAN. Sau hội nghị năm 2011 tại Indonesia, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã quyết định thành lập Diễn đàn Thuế nhằm giải quyết các trở ngại và chính sách liên quan đến thuế trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực, cũng như hỗ trợ đối thoại khu vực về các vấn đề thuế để tạo điều kiện hội nhập khu vực.
Diễn đàn hướng tới mục tiêu thiết lập mạng lưới hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (hiệp định thuế) hiệu quả và giải quyết các vấn đề về thuế khấu trừ tại nguồn và đánh thuế trùng. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh trao đổi thông tin và chống trốn thuế, các nước thành viên ASEAN phải nỗ lực thực hiện trao đổi thông tin và trao đổi thông tin tự động trong ASEAN nhằm giảm hàng rào thuế, hỗ trợ thúc đẩy thương mại và đầu tư, xây dựng một cộng đồng kinh tế có tính cạnh tranh cao.
Việc ký kết các Hiệp định thuế song phương giữa các nước ASEAN góp phần đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, tạo thuận lợi cho mở rộng thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và cải cách kinh tế bền vững. Chính vì vậy, Diễn đàn thuế ASEAN thúc đẩy việc hoàn thành ký kết Hiệp định thuế giữa các nước trong khu vực.
Là thành viên tích cực, Việt Nam đã nhanh chóng hoàn tất việc ký kết Hiệp định thuế với tất cả các nước thành viên bằng việc ký kết hiệp định với nước cuối cùng là Campuchia vào năm 2018. Các hiệp định đã ký kết góp phần tháo gỡ các trở ngại phát sinh từ thuế và tạo thuận lợi cho dòng chảy đầu tư vào Việt Nam và từ Việt Nam ra các nước ASEAN. Hơn nữa, để tạo thuận lợi cho việc thực hiện áp dụng các hiệp định thuế đã ký kết, Việt Nam đang cùng với các nước thành viên xây dựng một mẫu xác nhận đối tượng cư trú thống nhất để sử dụng chung trong Cộng đồng ASEAN.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu cuối cùng của Cộng đồng kinh tế ASEAN là tạo được một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, cần có sự hài hòa hóa về thuế để các nước thành viên có mức thuế và gánh nặng thuế tương đồng. Trước mắt, Diễn đàn đặt ra lộ trình cải thiện cơ cấu thuế khấu trừ tại nguồn áp dụng đối với các đối tượng không cư trú nước ngoài có thu nhập từ lãi tiền vay, tiền bản quyền, lợi tức cổ phần. Đây được coi là một biện pháp để các nước dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và công nghệ trong khu vực và thế giới, là động lực chính để phát triển kinh tế. Việt Nam và các nước ASEAN cũng đang tích cực triển khai rà soát cơ cấu thuế khấu trừ tại nguồn của từng nước, qua đó sẽ quyết định phương án cụ thể nhằm hài hòa hóa thuế khấu trừ tại nguồn của các nước trong khu vực.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc trao đổi thông tin, Diễn đàn Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã đưa ra sáng kiến về trao đổi thông tin tự động theo tiêu chuẩn chung. Theo đó, cơ quan thuế các nước sẽ thực hiện thu thập thông tin và trao đổi tự động theo định kỳ thông qua việc ký kết Hiệp ước đa phương về Hỗ trợ hành chính thuế và Hiệp định đa phương giữa các nhà chức trách có thẩm quyền về trao đổi thông tin tự động. Các Hiệp định này tạo dựng một cơ chế vận hành việc thực hiện trao thông tin tự động giữa cơ quan thuế các nước.
Diễn đàn Thuế ASEAN đã đặt ra mục tiêu đối với các nước ASEAN đến năm 2025 đều sẽ tham gia thực hiện trao đổi thông tin tự động theo tiêu chuẩn chung. Việt Nam cũng đã thể hiện quyết tâm bằng việc tham gia Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin và trở thành thành viên thứ 159 vào năm 2019. Việt Nam cũng cam kết sẽ tiến tới trao đổi thông tin tự động theo tiêu chuẩn chung và dự kiến sẽ ký kết Hiệp định MAAC và MCAA vào năm 2021.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng đòi hỏi các cơ quan thuế trong khu vực tăng cường hơn nữa hợp tác trong quản lý thuế quốc tế. Hơn bao giờ hết, các vấn đề về trốn tránh thuế thông qua các giao dịch xuyên biên giới, lợi dụng hiệp định, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số… không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.
Chính vì vậy, Diễn đàn thuế ASEAN đã xây dựng khung chương trình hợp tác quản lý thuế khu vực, là nền tảng để các nước thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và cùng xử lý các vấn đề vướng mắc mới phát sinh. Việt Nam đã cử nhiều cán bộ tham gia các hội thảo, chương trình đào tạo, qua đó, nhiều chính sách, kinh nghiệm quốc tế hữu ích đã được cơ quan thuế Việt Nam vận dụng hiệu quả trong quá trình quản lý thuế. Bên cạnh đó, các ý kiến đóng góp của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề chung của khu vực đã được ghi nhận và đánh giá cao.
Tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong quản lý thuế
Hợp tác quốc tế khu vực đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển năng lực của cơ quan quản lý thuế các nước. Trong thời gian tới, cơ quan Thuế Việt Nam sẽ phối hợp với các nước trong khu vực ASEAN tăng cường hơn nữa việc hợp tác trong quản lý thuế:
Một mặt, phát triển các mạng lưới hợp tác trong khu vực để có thể chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung mà các cơ quan thuế đang phải đối mặt. Mặt khác, thực hiện hiệu quả cơ chế hợp tác giữa các cơ quan quản lý thuế trong các lĩnh vực như trao đổi thông tin, hỗ trợ thu thuế, thủ tục thỏa thuận song phương để xóa bỏ việc đánh thuế trùng.
Việc đảm bảo một môi trường thuế hài hòa giữa các nước trong khu vực để tạo thế cạnh tranh của cả cộng đồng sẽ được tiếp tục triển khai. Các nước sẽ nghiên cứu và đưa ra các biện pháp hiệu quả, tránh tạo sự khác biệt quá mức về chính sách thuế của từng nước. Do đó, việc hài hòa về thuế không chỉ ở thuế khấu trừ tại nguồn, mà còn cả các sắc thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thách thức trong việc hợp tác quốc tế hiệu quả không chỉ dừng lại ở các vấn đề về chính sách, định hướng mà còn ở vấn đề tổ chức hoạt động hiệu quả. Việc quản lý thuế minh bạch và phù hợp chỉ có thể đạt được thông qua việc nâng cao năng lực của ngành Thuế của mỗi nước.
Vì vậy, cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước sẽ được triển khai thông qua đào tạo, hội thảo, trao đổi chung. Đặc biệt, cần triển khai chương trình hỗ trợ thanh tra thuế xuyên biên giới, qua đó, những nước có đội ngũ chuyên gia thuế giỏi có thể sang nước đối tác trợ giúp thanh tra, xử lý tranh chấp đối với những trường hợp khó và phức tạp. Các hoạt động này sẽ giúp nâng cao chất lượng của công tác quản lý thuế, đảm bảo tính ổn định pháp lý và tăng nguồn thu cho NSNN.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cùng với các nước chủ động và tích cực thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác về thuế của khu vực để góp phần sớm đạt được mục tiêu chung của Cộng đồng kinh tế ASEAN.