Triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%: Vì sao tiến độ chưa như ý?

0
142

Thực tế sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP có thể thấy một số vấn đề nảy sinh gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như tiến độ giải ngân của các NHTM.

Trước tiên, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi vay. Vậy nên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu kém, gặp khó khăn do đại dịch, không có tài sản bảo đảm sẽ không thể tiếp cận được gói tín dụng hỗ trợ lãi suất.

Về phía người cho vay, NHTM cũng gặp khó khi các tiêu chí giải ngân vẫn phải đạt chuẩn, tránh tình trạng nợ xấu, nếu không ngân hàng sẽ chịu gánh nặng nợ xấu trong tương lai. Bên cạnh đó, đến hết ngày 26/8/2022, hạn mức tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được sử dụng tới mức 9,91%/14% được NHNN cấp, do đó việc các NHTM phải hết sức cân nhắc đối tượng cho vay cũng là điều hợp lý.

Thêm đó, thủ tục quyết toán 2% lãi suất cũng khá phức tạp. Được biết, đến nay vẫn có ngân hàng còn chưa quyết toán được khoản hỗ trợ lãi suất 4% trong giai đoạn kích cầu năm 2009. Thủ tục quyết toán cũng là “rào cản” khiến các NHTM thêm thận trọng khi xem xét cho vay.

Làm rõ về những vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, tại Hội nghị trực tuyến phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất được NHNN tổ chức hồi cuối tháng 8/2022, ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96% tổng số lượng khách hàng.

Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 3 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm ngày 1/1/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.

Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40-50% dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.

Không chỉ vậy, Agribank cũng đang gặp vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Bởi theo quy định tại điểm 2.4, Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu vào có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản…

Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn không có hóa đơn tài chính mà chỉ có bảng kê thu mua hàng hóa. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Ngoài ra, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể hơn.

Cũng gặp khó khăn tương tự, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.

Ngoài ra, Khoản 4, Điều 3 của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện không có hướng dẫn cụ thể về xác định khả năng phục hồi của khách hàng trong bối cảnh thời gian hỗ trợ rất dài, dễ dẫn tới mỗi ngân hàng có một cách áp dụng khác nhau.

Với nhóm khách hàng là doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung cho biết, có nhiều ý kiến lo ngại quá trình thanh tra, kiểm toán chi phí hỗ trợ kéo dài 3 – 4 tháng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, dù bản thân họ có nguồn lực tốt và hoạt động kinh doanh vẫn phát sinh lợi nhuận. Đây là những nguyên nhân khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% dù rất tích cực nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Xác định việc triển khai gói hỗ trợ là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), TPBank đã quán triệt triển khai nghiêm túc trong toàn hệ thống nhưng trong quá trình triển khai có những vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Thực tế cho thấy, ngân hàng khó có thể hỗ trợ đối tượng khách hàng là hộ kinh doanh do nhiều khách hàng không có đăng ký kinh doanh.

Bởi Luật Dân sự quy định pháp nhân và cá nhân vay vốn chứ không có hộ kinh doanh. Vậy nên ông Hưng đề nghị cần tháo gỡ về đối tượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có phân loại lại các đối tượng này.

Ngoài ra, Tổng giám đốc TPBank cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Nhiều khách hàng không mặn mà với gói hỗ trợ vì lo lắng số tiền được hỗ trợ lãi suất là không lớn trong khi thủ tục phức tạp và đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này lại gặp nhiều khó khăn”.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú khẳng định, các ngân hàng đều có chung quan điểm, hỗ trợ khách hàng phục hồi thì nền kinh tế sẽ phục hồi. Tuy vậy, trong khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến như: đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành, tiêu chí để ngân hàng cho vay, mục đích vay…

Đối với vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đa ngành, Chủ tịch BIDV cho rằng, rất khó tách bạch được chi phí, đặc biệt là chi phí cố định, khó xác định được vốn vay cho lĩnh vực nào. Hơn nữa, ngân hàng cũng gặp khó khi tính toán mức vay của doanh nghiệp trong việc phân tách các dòng tiền.

Còn với vướng mắc liên quan đến đánh giá khả năng phục hồi, ông Phan Đức Tú nêu băn khoăn của các NHTM, để làm được điều này không đơn giản vì liên quan đến xác định các tiêu chí về khả năng phục hồi.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có đồng quan điểm, theo quy định, gói hỗ trợ chỉ hướng đến các đối tượng có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, cái khó là các cơ quan bộ, ngành vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể.

“Như thế nào là doanh nghiệp có khả năng phục hồi? Cần xác định định nghĩa có khả năng phục hồi theo doanh thu hay lợi nhuận? Tăng trưởng bao lâu được coi là phục hồi? Cái này rất khó xác định. Tất nhiên, mỗi ngân hàng sẽ có quy chuẩn khác nhau. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có hướng dẫn rõ ràng”, ông Nguyễn Việt Cường đề nghị.

Cũng theo các ngân hàng, chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên các ngân hàng hết sức thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả.

Các ngân hàng cũng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo… nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất.

“Thêm đó, một số trường hợp chưa thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng tại kỳ thu lãi do tại thời điểm đó khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để được hỗ trợ lãi suất”, ông Phạm Toàn Vượng cho biết thêm.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcHà Nội sẽ chấm dứt, dừng một loạt dự án khu đô thị, nhà ở
Bài tiếp theoNhà đất qua thời “tiền rẻ”, sức ép thanh lọc lớn dần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây