Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Chiến lược yêu cầu, rà soát, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015 và các luật có liên quan; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nghiên cứu, thử nghiệm các chính sách mới; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nước, đất, quản lý chất thải rắn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tạo lập cơ chế, chính sách phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ các-bon… Rà soát, hoàn thiện các loại thuế, phí, giá dịch vụ môi trường; tạo lập, hoàn thiện các cơ chế về ký quỹ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái, bồi hoàn đa dạng sinh học…
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh, rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thân thiện với môi trường, các sản phẩm sinh thái; hỗ trợ các hoạt động xử lý, cải tạo ô nhiễm môi trường. Xây dựng và thực hiện các quy định về mua sắm xanh; xây dựng và thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, các hợp phần bảo vệ môi trường trong các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Song song với đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo hướng tiếp cận với các nước phát triển. Khuyến khích các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của quốc gia.