Thu giữ gần 1.000 lít rượu ngâm tại 02 căn hộ chung cư ở Hà Nội

0
139

Cụ thể, chiều 13/9, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT TP. Hà Nội) phối hợp với PC05 Công an TP. Hà Nội, Công an quận Hà Đông, Chi cục Kiểm lâm kiểm tra 02 cơ sở kinh doanh rượu ngâm tại địa chỉ: Phòng 0916 và phòng 2602 toà nhà The Pride CT1, khu đô thị mới An Hưng – La Khê – quận Hà Đông.

Kết quả kiểm tra tại phòng 2602 của chủ sở hữu Đào Quang Mạnh, đoàn kiểm tra thu giữ tổng 65 bình rượu ngâm động vật các loại với tổng 347,8 lít rượu. Tại phòng 0916 của chủ sở hữu Vũ Quang Hiến, đoàn kiểm tra thu giữ tổng 66 bình rượu ngâm (trong đó có 58 bình rượu ngâm động vật; 8 bình rượu ngâm thực vật) với tổng 569 lít rượu.

Kết quả kiểm tra cả hai căn hộ cho thấy, tổng 916,8 lít rượu đều là rượu ngâm cá thể động vật và thực vật các loại không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện số lượng rượu này đang được Đội QLTT số 11 tiếp tục xác minh làm rõ.

Trước đó, ngày 15/8, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT TP. Hà Nội) cũng đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ của cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng thuộc Công ty TNHH Hằng Nhiệm, có địa chỉ tại số 3 tổ 4 khu nhà nổi Thạch Bàn, quận Long Biên – Hà Nội và hộ kinh doanh Rừng Vàng thủ đô tại địa chỉ số 70 ngõ Ga – Hà Đông (Hà Nội).

Thu giữ gần 1.000 lít rượu ngâm tại 02 căn hộ chung cư ở Hà Nội - Ảnh 1

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 đã chỉ ra các hành vi vi phạm: Cơ sở bán rượu có nồng độ cồn 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ mà không đăng ký với Phòng kinh tế theo đúng quy định; Cơ sở sử dụng người trực tiếp sản xuất thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Cơ sở cung cấp không đầy đủ thông tin về hàng hóa trên website thương mại điện tử bán hàng; Kinh doanh rượu không có nguồn gốc xuất xứ với số lượng 645 lít. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định.

Tình trạng ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây gây chết người, đặc biệt toàn bộ là rượu không rõ nguồn gốc. Đơn cử là vụ 8 sinh viên ngộ độc, 2 người tử vong ngày 5/8/2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Trước đó là vụ 3 người phụ nữ tử vong tại Cà Mau ngày 25/7 cũng do uống rượu không rõ nguồn gốc.

Để chấn chỉnh công tác kinh doanh và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, ngày 1/8/2022, tại Thông báo số 221/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, có giải pháp phù hợp xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ động; chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế tăng cường cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu tự pha chế không rõ nguồn gốc.

Ngay sau thông báo này, lực lượng cả nước, đặc biệt là lực lượng QLTT TP. Hà Nội đã tích cực, kịp thời vào cuộc để kiểm tra, giám sát tình trạng sản xuất và kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Lãnh đạo Cục QLTT TP.Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận biết trong quá trình sử dụng các loại rượu; Không sử dụng các loại rượu không rõ nguồn gốc, nhãn mác, chứng từ, rượu ngâm các loại động, thực vật lạ vì rất dễ xảy ra ngộ độc.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcGiữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh
Bài tiếp theoSCIC bán đấu giá trọn lô cổ phần VIWASEEN trị giá hơn 1.348 tỷ đồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây