Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) vừa công bố dự báo các chỉ tiêu chính trên thị trường tiền tệ tháng 4 và quý II/2021. Điểm nổi bật ở kỳ báo cáo này là tâm lý thị trường đang khá giao động, thể hiện qua chênh lệch dự báo khá lớn giữa các thành viên.
Bối cảnh hiện tại, thị trường tiền tệ và điều hành chính sách cũng đang ở những lằn ranh nhạy cảm.
Trước hết, tâm lý lạm phát quay trở lại đang thể hiện, không chỉ tại Việt Nam mà bao trùm toàn cầu. Giá hàng hóa, nguyên vật liệu đã biến động mạnh, theo hướng tăng lên thời gian gần đây. Tổng cầu đang hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát cùng lộ trình vaccine dần mở rộng. Hiệu ứng dữ liệu đơn thuần trên nền tham chiếu thấp của cùng kỳ cũng là một yếu tố đáng chú ý.
Việt Nam có nền kinh tế mở, mới nổi và nhạy cảm với chi phí đẩy nguyên vật liệu đầu vào. Nhưng, lương thực thực phẩm là một trọng số có thể được bình ổn theo yếu tố mùa vụ và giúp kìm chỉ số CPI ngắn hạn.
Điểm nhạy cảm hơn với Việt Nam hiện nay, bên cạnh tâm lý lạm phát, là tình huống có “đảo chiều” chính sách tiền tệ hay không. Lãi suất đang có dấu hiệu đã qua kỳ “tiền rẻ” và bật lại; Ngân hàng Nhà nước đang đứng giữa áp lực kiểm soát dấu hiệu lạm phát và bong bóng tài sản, trong khi vẫn cần hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Một điểm được cụ thể hóa gần đây, nhà điều hành đã có dấu hiệu “siết” chặt hơn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các NHTM, qua việc giao chỉ tiêu bước đầu khá thấp ở nhiều thành viên. Trong khi đó, kinh tế đang phục hồi và cầu tín dụng có xu hướng mạnh lên.
Ở một kênh khác, lằn ranh nhạy cảm cũng có ở việc điều hành tỷ giá, qua hướng giảm thiểu sự can thiệp của nhà điều hành, phía trước vẫn là kỳ báo cáo giám sát tiếp theo mà Mỹ dự kiến sắp công bố. Tỷ giá USD/VND theo đó tùy thuộc nhiều hơn vào diễn biến dòng vốn vào – ra…
Như trên, dự báo của VIRA kỳ này đã có chênh lệch lớn trong tính toán của các thành viên.
VIRA tập hợp những đại diện đến từ khối nghiên cứu thị trường của các ngân hàng thương mại, cùng một số công ty chứng khoán hàng đầu, định kỳ hàng tháng đưa ra dự báo về 4 chỉ tiêu chính: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, chênh lệch rất lớn đã thể hiện trong dự báo về CPI tháng 4 này so với cùng kỳ năm trước. Nhiều thành viên VIRA dự báo mức tăng từ 2,5-3%, thậm chí cao hơn, nhưng cũng có khá nhiều dự báo dưới mức 1,5%. Bình quân dự báo cho tháng này là 2,39%.
Ổn định hơn và dự báo sát giữa các thành viên VIRA thể hiện ở chỉ tiêu lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng. Tháng này, dự báo lãi suất liên ngân hàng, với kỳ hạn điển hình 1 tuần, tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm nhẹ trở lại so với tháng 3 vừa qua. Dự báo chung bình quân tháng này ở 0,40%/năm, giảm nhẹ so với bình quân thực tế 0,45%/năm trong tháng liền trước.
Mang tính định kỳ, dự kiến giữa tháng này Mỹ tiếp tục công bố báo cáo giám sát tiền tệ. Trước đó, Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát vấn đề “thao túng tiền tệ”. Việc điều hành tỷ giá của NHNN từ đầu năm đến nay cũng đã có một số thay đổi, ở phương thức và tần suất mua vào ngoại tệ. Điểm chung có thể thấy nhà điều hành đã giãn bớt sự can thiệp.
Theo đó, tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng đến tác động cung – cầu, dòng vốn vào – ra nhiều hơn. Dù vậy, tỷ giá vẫn khá ổn định từ đầu năm đến nay.
Hướng ổn định đó có trong dự báo chung của các thành viên VIRA, với tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng bình quân tháng này dự báo ở 23.076 VND, tăng nhẹ so với bình quân thực tế tháng trước là 23.062 VND. Tuy vậy, một số thành viên trù tính có thể tiếp cận mức 23.100 VND trong tháng này.
Tháng 4 mở đầu quý II, tháng dự kiến Kho bạc Nhà nước sẽ dần tăng tốc việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) sau quý đầu năm khá ảm đạm.
Theo dự báo chung của VIRA, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm tiếp tục có xu hướng tăng lên, bình quân sẽ ở 2,4% trong tháng này, tăng nhẹ so với bình quân thực tế 2,38% của tháng liền trước.
Ở dự báo xa hơn, đến cuối quý II, ngoại trừ chỉ tiêu lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm khá ổn định, dự tính của các thành viên VIRA có chênh lệch khá lớn ở triển vọng tỷ giá USD/VND giao ngay trên liên ngân hàng, nhưng vẫn quanh mốc 23.100 VND; trong khi dự báo về lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên liên ngân hàng phân hóa rõ rệt, đa số thành viên vẫn kỳ vọng ổn định nhưng đã có những dự báo tăng lên rõ rệt với khoảng 0,6-1%/năm.