Đặt vấn đề
Ngân sách nhà nước (NSNN) là toàn bộ các khoản thu – chi của Nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện hàng năm nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước. NSNN được chia thành 2 cấp: Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Khảo sát cho thấy, dự toán chi ngân sách nhà nước của tỉnh Điện Biên 3 năm gần đây có chiều hướng tăng. Dự toán chi ngân sách nhà nước của Tỉnh tập trung vào 2 nội dung chính, đó là chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng chi cân đối ngân sách nhà nước, (bình quân giai đoạn 2018 – 2020 là 97,5%).
Việc tổ chức, quản lý chi ngân sách cấp tỉnh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tăng cường công tác quản lý chi NSNN cấp tỉnh là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN, tạo niềm tin cho nhân dân.
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc có 10 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thị xã, trong đó, có 29 xã biên giới. Số dân tính đến thời điểm năm 2020 là trên 55 vạn dân, gồm 19 dân tộc anh em. Đặc điểm này cũng ảnh hưởng khá lớn đến công tác quản lý NSNN của Tỉnh.
Công tác quản lý NSNN của tỉnh Điện Biên thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý chi ngân sách nhà nước của Tỉnh hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập cần sớm có giải pháp giải quyết như: Các khâu trong quy trình quản lý còn yếu, công tác lập dự toán ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý; còn tình trạng bổ sung, điều chỉnh dự toán nhiều lần, gây khó khăn cho công tác quản lý dự toán ngân sách…
Bài viết đánh giá thực trạng công tác quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018 – 2020, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, qua đó giúp việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018-2020
Về lập dự toán chi ngân sách nhà nước: Công tác lập dự toán ngân sách được tỉnh Điện Biên thực hiện theo hướng dẫn hệ thống kế toán và mục lục ngân sách tại Thông tư số 342/2018/TT-BTC ngày 30/12/2018 của Bộ Tài chính và các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
Khảo sát cho thấy, dự toán chi ngân sách nhà nước của tỉnh Điện Biên 3 năm gần đây có chiều hướng tăng. Năm 2018, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước là 272.320 tỷ đồng, năm 2019 tăng lên 293.729 tỷ đồng và năm 2020 tăng lên 327.582 tỷ đồng.
Dự toán chi ngân sách nhà nước của Tỉnh tập trung vào 2 nội dung chính, đó là chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng chi cân đối ngân sách nhà nước, (bình quân giai đoạn 2018 – 2020 là 97,5%).
Về chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước: Về chi đầu tư phát triển, giai đoạn 2018-2020, tỉnh Điện Biên chủ trương ưu tiên các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế – xã hội như: Chi cho các chương trình, dự án chủ yếu phân bổ cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể; chi cho hoạt động giáo dục – đào tạo, dạy nghề và chi cho các hoạt động kinh tế. Trong chi ngân sách nhà nước của Tỉnh, thì chỉ tiêu chi thường xuyên chiếm tỷ trọng khá lớn (Bảng 1).
Bảng 1 cho thấy, tỷ lệ chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên những năm gần đây có xu hướng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước và đều vượt dự toán được giao.
Trong năm 2018, chênh lệch thực hiện và dự toán chi không lớn, nhưng đến năm 2019 và 2020, mức chênh lệch này đã tăng khá cao. Các khoản chi vượt dự toán lớn là chi quản lý hành chính, chi quốc phòng và an ninh, chi đảm bảo xã hội. Tình hình chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ yếu là do tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, chỉ số giá cả, tiền lương tăng mạnh, điều này làm cho các khoản chi tăng cao hơn so với dự toán; thực hiện bổ sung ngân sách cho một số chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững…
Quyết toán chi ngân sách nhà nước: Về cơ bản, trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Điện Biên đã tuân thủ các quy định của Chính phủ về trình tự, thủ tục thực hiện quyết toán chi. Báo cáo quyết toán hàng năm đã phản ánh đầy đủ, rõ ràng các hoạt động chi và được lập từ cơ sở đến các cơ quan quản lý tài chính cấp tỉnh, đảm bảo nguyên tắc cân đối thu – chi ngân sách địa phương và theo niên độ ngân sách.
Tuy nhiên, việc kiểm tra tình hình sử dụng kinh phí của các đơn vị, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, thường dồn vào thời điểm quyết toán, dẫn đến tình trạng quá tải thời điểm, chất lượng kiểm tra vì thế chưa cao. Quá trình quyết toán chú trọng nội dung thẩm định quyết toán theo hồ sơ, chưa gắn với hiệu quả sử dụng ngân sách địa phương. Nội dung quyết toán mới chỉ dừng lại ở việc xác định số liệu chi trong năm, chưa phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách. Quá trình quản lý tài chính ở các đơn vị sử dụng ngân sách chưa kịp thời phát hiện các vấn đề bất hợp lý để đề xuất giải pháp khắc phục…
Kiểm soát, thanh tra, kiểm tra chi ngân sách nhà nước: Giai đoạn 2018-2020, các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã triển khai, hoàn thành 67 cuộc thanh tra hành chính, phát hiện sai phạm 35.182,21 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 29.381,65 triệu đồng và kiến nghị xử lý khác 3.800,56 triệu đồng. Hoạt động thanh tra triển khai có trọng tâm, trọng điểm theo đúng chỉ đạo của Thanh tra Tỉnh.
Qua thanh tra đã kịp thời phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quản lý chi ngân sách nhà nước và đã kiến nghị xử lý đối với nhiều tập thể và cá nhân có hành vi vi phạm; kiến nghị các cấp, các ngành liên quan khắc phục và chấn chỉnh, sửa đổi bổ sung một số cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương.
Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Nhằm giải quyết triệt để những vướng mắc, bất cập trong quản lý chi ngân sách nhà nước, thời gian tới, tỉnh Điện Biên cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng lập dự toán ngân sách nhà nước: Việc xây dựng và phân bổ dự toán chi ngân sách căn cứ theo tiêu chuẩn và định mức phân bổ ngân sách của năm trước, đảm bảo đúng các chế độ, tiêu chuẩn, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách; đồng thời có tính đến các nhiệm vụ phát sinh trong năm sau và đảm bảo các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Các cơ quan, đơn vị, địa phương lập dự toán chi cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Định hướng được những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong năm, lập và gửi dự toán theo đúng quy định.
Thứ hai, Tăng cường chấp hành thực hiện dự toán chi ngân sách: Trong điều kiện khả năng ngân sách hạn hẹp, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên và đặc biệt sử dụng ngân sách có tác dụng như nguồn vốn “mới” tạo tiền đề căn bản để huy động thêm nguồn lực khác tromg xã hội. Đảm bảo chỉ tiêu ngân sách địa phương chặt chẽ, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực; ưu tiên vốn trả nợ xây dựng cơ bản cho các công trình tồn tại; chủ động sắp xếp bố trí trong phạm vi dự toán được giao, không xử lý các khoản chi đột xuất chưa cần thiết. Trong quá trình phát sinh chi thường xuyên có tính chất đột xuất, yêu cầu các đơn vị dự toán sắp xếp, sử dụng nguồn đã bố trí trong dự toán.
Thứ ba, đối với công tác quyết toán chi ngân sách nhà nước: Đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản, tăng cường thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm định quyết toán xây dựng cơ bản hoàn thành. Các chủ đầu tư, nhà thầu có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ quyết toán công trình hoàn thành theo quy định, để thẩm tra quyết toán giải ngân và tạm ứng vốn xây dựng cơ bản nhằm giảm dần công trình dở dang trên địa bàn Tỉnh.
Thứ tư, đối với công tác kiểm tra chi ngân sách nhà nước: Nâng cao ý thức trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ tham mưu quản lý tài chính ngân sách các cấp. Nâng cao năng lực và hiệu qủa công tác giám sát tài chính, tài sản công; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thanh tra tài chính, chế độ báo cáo thông tin, bảo đảm hoạt động chi tiêu công khai minh bạch, đúng định mức, chế độ quy định.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện bộ máy và nâng cao trình độ cán bộ quản lý ngân sách nhà nước: Tổ chức thực hiện tốt công tác phân loại cán bộ theo chuẩn mực về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức phù hợp mô hình tổ chức mới. Thực hiện tốt việc điều động, luân chuyển, luân phiên cán bộ theo quy định. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý ngân sách theo hướng chuyên môn hóa kỹ năng quản lý; đồng thời, nâng cao nhận thức cán bộ trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong quản lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách Nhà nước, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh Điện Biên năm 2018, 2019, 2020;
3. Đặng Văn Dụ, Bùi Tiến Mạnh (2015), Giáo trình Quản lý chi ngân sách, NXB Tài chính;
4. Bùi Tiến Hanh (2015), Giáo trình Quản lý tài chính công, NXB Tài chính, Hà Nội.
(*) Đỗ Văn Chúc, Trương Thu Hương -Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.