Một số định hướng cụ thể như sau:
Một là, nghiên cứu hài hòa giữa việc cơ cấu lại thu NSNN trên cả hai mặt động viên NSNN và chi NSNN. Trong bối cảnh nguồn thu từ tài nguyên, đất đai, thu từ thuế nhập khẩu đang có xu hướng giảm, để củng cố quy mô thu NSNN theo hướng bền vững đòi hỏi hệ thống chính sách thuế của Việt Nam cần tiếp tục được cơ cấu lại, nhằm phát huy vai trò của các sắc thuế, khoản thu mà hiện tại không gian thu đang có; đồng thời, chủ động nghiên cứu và đưa vào áp dụng các sắc thuế mới (ví dụ, thuế bất động sản). Cùng với đó, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, giảm dần quy mô chi thường xuyên, gắn chính sách chi NSNN với các định hướng phát triển trung và dài hạn và khắc phục tình trạng phân tán trong phân bổ nguồn lực. Đồng thời, xóa bỏ sự chia cắt trong phân bổ nguồn lực chi đầu tư và chi thường xuyên.
Hai là, từng bước giảm dần mức bội chi NSNN, đảm bảo ngân sách thường xuyên luôn có thặng dư. Bội chi NSNN liên tục đã gây ra nhiều sức ép làm gia tăng nợ công, nhất là nợ chính phủ. Mặc dù giai đoạn 2016-2020, quy mô nợ công tổng thể giảm từ 63,7% GDP xuống 55,3% GDP, nhưng nợ chính phủ chỉ giảm từ 52,7% GDP xuống 49,1% GDP. Để giảm dư nợ chính phủ, mở rộng không gian tài khóa, ứng phó hiệu quả với những tác động bất lợi từ bên ngoài thì cần giảm được mức bội chi NSNN theo lộ trình phù hợp. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm, hợp lý hóa các khoản chi NSNN, củng cố cán cân ngân sách thường xuyên để tăng tích lũy của ngân sách cho đầu tư phát triển.
Ba là, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ và các rủi ro liên quan đến nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia; Đảm bảo việc vay nợ cần được đặt trong mối tương quan chung với kế hoạch và khả năng trả nợ, với chi phí vay nợ và mức độ rủi ro hợp lý. Cùng với việc duy trì các chỉ tiêu về nợ công theo ngưỡng đề ra, Việt Nam cần giám sát hiệu quả các rủi ro về nợ công; có cơ chế để theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các nghĩa vụ nợ dự phòng, bao gồm cả nghĩa vụ nợ dự phòng trực tiếp và gián tiếp.
Bốn là, củng cố kỷ luật, tăng cường công khai và trách nhiệm giải trình tài khóa, đảm bảo việc phân bổ nguồn lực được thực hiện theo các mục tiêu ưu tiên. Các khoản tăng thu ngân sách ngoài dự toán cần được quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa việc sử dụng các khoản tăng thu ngân sách “đột biến” vì các lý do “ngoại sinh” để đảm bảo nguồn cho việc hình thành các chế độ chi ngân sách mới. Tiếp tục rà soát, có cơ chế ràng buộc để đảm bảo các quyết định hiện hành phải “có trách nhiệm”, “không gây ra gánh nặng tài khóa” quá mức với những thế hệ trong tương lai.
Năm là, nâng cao hiệu quả giám sát an ninh tài chính công, quản lý hiệu quả các rủi ro tài khóa. Để có thể thực hiện giám sát tài chính công có hiệu quả yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải hình thành khuôn khổ pháp lý đầy đủ, bao quát được các nội dung, phạm vi cần giám sát. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho việc thực hiện giám sát, cần hình thành hệ thống chỉ tiêu, tiêu chí giám sát; có cơ chế thúc đẩy, đảm bảo công khai, minh bạch trong thông tin về tài chính công.
Cùng với đó, cần nghiên cứu xây dựng một khung khổ về quản lý rủi ro tài khóa phù hợp để quản lý hiệu quả các nguồn gốc gây ra rủi ro tài khóa, đảm bảo các khoản nợ dự phòng, kể cả những khoản nợ dự phòng theo cam kết và các khoản nợ dự phòng “ngầm định”…
(*) Trích lược theo bài “Tăng cường khả năng chống chịu, đảm bảo an ninh tài chính công, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” – Trương Bá Tuấn – Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021.