Nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

0
187

Đồng thời, nghiên cứu sử dụng các kiểm định Hausman và Breusch and Pagan Lagrangian multiplier để lựa chọn mô hình giải thích tốt nhất các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài có tương quan dương với rủi ro thanh khoản. Các nhân tố còn lại gồm: (1) Quy mô ngân hàng; (2) Tỷ lệ vốn tự có trên tổng nguồn vốn; và (3) Tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động và tỷ lệ dự trữ thanh khoản đều có mối quan hệ nghịch chiều với rủi ro thanh khoản. Kết quả nghiên cứu là thông tin hữu ích giúp các nhà quản lý ngân hàng.

1. Đặt vấn đề

Rủi ro thanh khoản là loại rủi ro xuất hiện khi ngân hàng thiếu khả năng chi trả, không chuyển đổi kịp các loại tài sản ra tiền hoặc không có khả năng vay để đáp ứng nhu cầu của các hợp đồng thanh toán. Điều này có nghĩa, nếu một ngân hàng không có đủ nguồn vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì sẽ có thể mất khả năng thanh toán. Nếu rủi ro thanh khoản xảy ra, thì phạm vi ảnh hưởng không chỉ dừng lại ở một ngân hàng đơn lẻ mà còn tác động mạnh mẽ đến các ngân hàng khác và toàn bộ hệ thống tài chính.

Vì vậy, rủi ro thanh khoản từ lâu đã được nhiều học giả trên thế giới quan tâmnghiên cứu. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều các nghiên cứu thực nghiệm về rủi ro thanh khoản. Theo tìm hiểu của tác giả bài viết này, một số nghiên cứu điển hình về lĩnh vực này là của tác giả Trương Quang Thông [4] và Vũ Thị Hồng [5]. Trong đó, các tác giả đã xác định được những nhân tố tác động đến thanh khoản và rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tuy nhiên, dữ liệu của các nghiên cứu này là ở giai đoạn trước, chưa được cập nhật. Trước tình hình thay đổi, biến động không ngừng của nền tài chính Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước đề ra những chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng.

2. Tổng quan nghiên cứu

Chung-Hua Shen và các cộng sự [1] nghiên cứu về rủi ro thanh khoản ngân hàng và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu sử dụng bảng số liệu không cân xứng của các ngân hàng thương mại ở 12 nền kinh tế phát triển trong giai đoạn 1994-2006 và sử dụng phương pháp hồi quy bình phương nhỏ nhất hai giai đoạn (2SLS).

Kết quả cho thấy, rủi ro thanh khoản là yếu tố có ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Rủi ro thanh khoản có thể làm giảm lợi nhuận ngân hàng bởi chi phí quỹ dự phòng cao.

Corinne Deléchat và các cộng sự [2] nghiên cứu sử dụng mô hình bình phương nhỏ nhất thông thường (OLS) để đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng ở Trung Mỹ. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 96 ngân hàng trong giai đoạn từ  2006 – 2010.

Kết quả cho thấy các yếu tố gồm “Tỷ lệ dự trữ tín dụng”, “Lợi nhuận biên ròng”, “Tỷ lệ vốn hóa thị trường”, “Quy mô của ngân hàng”, và “Tỷ lệ tín dụng trên GDP” có tương quan nghịch với “Rủi ro thanh khoản”. Trong khi các yếu tố  “Tỷ lệ tài sản lưu động” và “Tổng tài sản” tương quan thuận với “Rủi ro thanh khoản”.

Trương Quang Thông [3] nghiên cứu về các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Dữ liệu được thu thập từ báo cáo thường niên của 27 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2002 – 2011. Yếu tố “Rủi ro thanh khoản” được sử dụng trong mô hình là “Khe hở tài trợ”.

Kết quả cho thấy, rủi ro thanh khoản ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố bên trong hệ thống ngân hàng như: quy mô tổng tài sản, dự trữ thanh khoản, vay liên ngân hàng và tỉ lệ vốn tự có trên nguồn vốn mà còn chịu sự tác động của các biến kinh tế vĩ mô như: tăng trưởng kinh tế, lạm phát và đặc biệt là độ trễ của chính sách.

Vũ Thị Hồng [4] nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Dữ liệu được thu thập từ báo cáo tài chính hợp nhất của 37 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2006-2011. Kết quả cho thấy, Tỷ lệ vốn chủ sở hữu, Tỷ lệ nợ xấu và Tỷ lệ lợi nhuận có mối tương quan thuận; còn Tỷ lệ cho vay trên huy động có mối tương quan nghịch với khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

3. Mô hình, phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

3.1. Dữ liệu nghiên cứu

Hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 35 ngân hàng, trong đó có 4 ngân hàng thương mại nhà nước và 31 ngân hàng thương mại cổ phần. Vì không thu thập được báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần bị thiếu dữ liệu, nên nghiên cứu chỉ tiến hành khảo sát trên 25 ngân hàng thương mại ở Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2013 – 2019. Số liệu được thu thập từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán đăng tải trên website của các ngân hàng thương mại.

3.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp phân tích định lượng để ước tính mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến rủi ro thanh khoản ngân hàng. Phần mềm sử dụng để ước lượng là với phần Stata 12.0. Nghiên cứu sử dụng hồi quy với dữ liệu bảng với mô hình hồi quy Pooled Ordinary Least Square (Pooled OLS), Fixed Effects Model (FEM), Random Effects Model (REM).

Ngoài ra, tác giả sử dụng các kiểm định thống kê (F, kiểm định Hausman, và kiểm định Breusch and Pagan Lagrangian multiplier) để lựa chọn mô hình phù hợp nhất. Đồng thời còn sử dụng tùy chọn Robust và Cluster để khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan. Với cách xác định mô hình như vậy, ước lượng có tính bền vững và hiệu quả có thể giải thích tốt nhất các nhân tố ảnh hưởng đến rủi ro thanh khoản của ngân hàng thương mại.

3.3. Mô hình nghiên cứu  (Bảng 1)

Bảng 1. Mô tả các biến trong mô hình và dấu kỳ vọng

Ký hiệu

Biến

Cách đo lường

Dấu kỳ vọng

FGAP

Rủi ro thanh khoản

Chênh lệch giữa các khoản tín dụng và huy động vốn chia cho tổng tài sản

 

SIZE

Quy mô tổng tài sản

Lograrit tự nhiên của tổng tài sản

(-)

LRA

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản trên tổng tài sản

Dự trữ thanh khoản sơ cấp cộng thứ cấp, chia cho tổng tài sản

(-)

EFD

Sự phụ thuộc các nguồn tài trợ bên ngoài

Tổng vay mượn liên ngân hàng chia cho tổng nguồn vốn

(+)

ETA

Tỷ lệ vốn tự có trên tổng nguồn vốn

Vốn tự có chia cho tổng nguồn vốn

(-)

TLA

Tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động

Cho vay chia cho tổng vốn huy động

(-)

LLPTL

Dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng dư nợ

Dự phòng rủi ro tín dụng chia cho tổng dư nợ cho vay

(+)

Nguồn: Tác giả

FGAPit= ci + λ1SIZEit + λ3LRAit + λ4ETAit + λ5EFDit + λ6TLAit + λ7LLPTLit + δ1GDPt + δ2M2t + δ3INTt + εit

Trong đó: i – tương ứng ngân hàng khảo sát

               t – Thời gian từ 2013 đến 2019

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kết quả thống kê mô tả (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả thống kê mô tả của các biến trong mô hình

Variable

Obs

Mean

Min

Max

Std. Dev.

FGAP

175

20.53245

0.0426

68.2431

13.87992

SIZE

175

17.8644

14.8936

20.3095

1.201322

LRA

175

13.77827

0.07

60.7

10.98722

EFD

175

6.3764

0

60.85

7.20057

ETA

175

11.52611

0.42

46.24

6.3712

TLA

175

53.82806

2.11

86.04

14.57992

LLPTL

175

1.320514

0.1

6.8

0.787698

Nguồn: Tính toán của tác giả từ phầm mềm STATA

Bảng 2 cho thấy rủi ro thanh khoản (FGAP) có giá trị trung bình là 20,53%, con số này đã tăng lên đáng kể so với giai đoạn 2002-2011 (Trương Quang Thông, 2013). Điều này có thể phần nào hiểu được qua những diễn biến của ngành Ngân hàng ở Việt Nam trong thời gian qua.

Rất nhiều thương vụ sáp nhập đã được thực hiện và hiện có 3 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng; các yếu tố khác ở mức có thể chấp nhận được trong giai đoạn hiện tại.

4.2. Kết quả hồi quy (Bảng 3)

Bảng 3. Kết quả hồi quy giữa các biến độc lập và FGAP

Biến độc lập

Mô hình 1

Mô hình 2

Mô hình 3

 

POOLED OLS

REM

FEM

SIZE

-2.997

-3.065*

-9.975*

LRA

-0.188*

-0.192***

-0.258***

EFD

0.193*

0.193***

0.184***

ETA

-0.584**

-0.586***

-0.759***

TLA

-0.585

-0.579*

-0.461*

LLPTL

1.059

1.094

2.189

_CONS

140.54

141.06

2.526

R2 hiệu chỉnh

51.47%

31.59%

39.74%

Các kiểm định

Giá trị

p-value

 

F

2.37

0.0009

 

Hausman

48.56

0.0000

Nguồn: Tính toán của tác giả từ phầm mềm STATA

Chú thích: *, *** tương ứng với mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%.

Kiểm tra sự lựa chọn giữa mô hình REM và FEM

Giả thiết H0: Lựa chọn mô hình REM.

             H1: Lựa chọn mô hình FEM.

Từ kết quả của kiểm định Hausman ta có:

Chi 2(9) = 48.56            Prob > Chi 2(9) = 0.0000

Ta thấy prob = 0.0000 < 0.01. Điều này chứng tỏ giả thiết H0 bị bác bỏ với mức ý nghĩa 1%.

Do đó, mô hình FEM phù hợp hơn mô hình REM.

Kiểm tra sự lựa chọn giữa mô hình Pool OLS và FEM

Giả thiết H0: Lựa chọn mô hình Pool OLS.

             H1: Lựa chọn mô hình FEM.

Từ kết quả của kiểm định F trong mô hình FEM.

F (24, 141) = 2.37            Prob > F = 0.0009

Ta thấy prob = 0.0009 < 0.01. Điều này chứng tỏ bác bỏ giả thiết H0 với mức ý nghĩa 1%.

Do đó mô hình FEM phù hợp hơn mô hình Pool OLS.

Tóm lại, qua việc so sánh giữa 3 mô hình Pool OLS, REM và FEM. Kết quả mô hình FEM là phù hợp nhất. Ngoài ra, kết quả chạy mô hình đã sử dụng hồi quy với ước lượng Robust và Cluster để chứng minh các hệ số hồi quy trong mô hình có độ chính xác cao. Kết quả cho thấy:

– Ngân hàng gia tăng quy mô thì rủi ro thanh khoản sẽ giảm. Kết quả nghiên cứu hoàn toàn phù hợp với kỳ vọng và các nghiên cứu lược khảo. Điều này có thể được lý giải là do khi ngân hàng gia tăng quy mô hoạt động thì tốc độ tăng trưởng của tổng tài sản nhỏ hơn tốc độ huy động vốn ngắn hạn.

– Tỷ lệ dự trữ thanh khoản có ảnh hưởng mạnh nhất đến rủi ro thanh khoản. Kết quả cho thấy khi tỷ lệ dự trữ thanh khoản gia tăng 1% thì rủi ro thanh khoản sẽ giảm 0,26%. Kết quả phù hợp với kỳ vọng và các nghiên cứu trước đây. Điều này có thể được lý giải bởi khi có tỷ lệ dự trữ thanh khoản cao thì ngân hàng có tài sản cầm cố hay tài sản có tính thanh khoản cao, do đó sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thanh toán của ngân hàng tại bất cứ thời điểm nào.

– Ngân hàng càng ít lệ thuộc vào các nguồn tài trợ bên ngoài thì rủi ro thanh khoản càng thấp. Bởi khi ngân hàng cần nguồn tiền mặt để đáp ứng cho các nhu cầu thanh toán thì ngân hàng có sự lệ thuộc lớn vào nguồn tài trợ từ bên ngoài sẽ gây ra chi phí phát sinh rất cao, hoặc khó huy động kịp thời để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán.

– Tỷ lệ vốn tự có trên tổng vốn huy động có tương quan nghịch chiều với rủi ro thanh khoản. Kết quả phù hợp với kỳ vọng và các nghiên cứu trước đây. Bởi vì vốn tự có là tấm đệm an toàn cho ngân hàng chống đỡ các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động, kể cả rủi ro thanh khoản.

– Tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động tỷ lệ nghịch với rủi ro thanh khoản với mức ý nghĩa 1%. Tức khi gia tăng tỷ lệ cho vay thì rủi ro thanh khoản sẽ giảm xuống và ngược lại. Bởi vì trong tổng vốn huy động đa số là nguồn vốn huy động ngắn hạn, trong khi ngân hàng cho vay đa phần là cho vay dài hạn chiếm tỷ trọng cao và rủi ro trong quá trình cho vay cũng tương đối lớn. Do vậy khi ngân hàng cho vay nhiều thì các tài sản thanh khoản sẽ ít đi nên thanh khoản của ngân hàng sẽ giảm xuống.

– Dự phòng rủi ro tín dụng có mối tương quan thuận chiều với rủi ro thanh khoản nhưng không có ý nghĩa thống kê.

5. Kết luận

5.1. Tóm tắt các kết quả chính

Kết quả cho thấy để giảm thiểu rủi ro thanh khoản ngân hàng cần có chính sách hợp lý trong việc gia tăng tỷ lệ vốn tự có và tỷ lệ dự trữ thanh khoản, cần cân nhắc trong tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.

5.2. Gợi ý chính sách đối với các ngân hàng thương mai

– Quản lý tốt nguồn tài sản của mình, đồng thời gia tăng tổng tài sản dưới sự tài trợ hợp lý từ vốn chủ sở hữu, để giảm thiểu rủi ro thanh khoản.

– Các ngân hàng cần cân đối giữa nguồn vốn tự có, đồng thời xem xét mức độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, quản lý tốt các khoản cho vay để tránh phát sinh mới và xử lý có hiệu quả nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng, bằng một số biện pháp như:

– Phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có tiềm năng tài chính và thiện chí trả nợ.

– Sử dụng có hiệu quả nguồn dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; Đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ.

– Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng để hạn chế phát sinh thêm nợ xấu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chen, Y. K., Shen, C. H., Kao, L., & Yeh, C. Y. (2018). Bank liquidity risk and performance. Review of Pacific Basin Financial Markets and Policies, 21(01), 1850007.
  2. Delechat, C., Arbelaez, C. H., Muthoora, M. P. S., & Vtyurina, S. (2012).The Determinants of Banks’ Liquidity Buffers in Central America (No. 12-301). Washington, D.C.International Monetary Fund.
  3. Dinger, V. (2009). Do foreign-owned banks affect banking system liquidity risk?Journal of Comparative Economics, 37(4), 647-657.
  4. Trương Quang Thông (2013), “Các nhân tố tác động đến rủi ro thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 276, 50-62.
  5. Vũ Thị Hồng (2012), “Các yếu tố ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và hội nhập, số 23(33), tr. 32-49.

(*) ThS. Nguyễn Thị Bích Thuận – ThS. Phạm Ánh Tuyết, Giảng viên Khoa Kinh tế – Trường Đại học Đồng Tháp/tapchicongthuong.vn

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcVì sao Hà Nội dừng 82 dự án BT?
Bài tiếp theoCăn hộ chung cư lội ngược dòng trong bão Covid-19

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây