Nghiên cứu chương riêng về đấu giá trực tuyến nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực

0
107
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản

Chiều 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được trình trước Quốc hội.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng luật cũng hướng đến tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, về phạm vi sửa đổi, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 1 điều mới quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.

Bổ sung quy định hồ sơ đánh giá năng lực của người tham gia đấu giá

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần xem xét, sửa đổi như về tài sản đấu giá, Điều 4 dự thảo Luật liệt kê các tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá. Có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định tại điều này theo hướng không liệt kê, vì điều này dễ dẫn đến trùng lặp hoặc gây chồng chéo, mâu thuẫn.

Trong quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, cân nhắc về tính khả thi của quy định người có tài sản đấu giá phải có nghĩa vụ thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá vì việc xét duyệt điều kiện này phải thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản là cơ quan có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Quang cảnh phiên họp chiều 8/11.

Ủy ban Kinh tế nhận định, việc yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá.

Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hồ sơ đánh giá năng lực, điểm tích lũy kinh nghiệm của người tham gia đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lựa chọn được người tham gia đấu giá tài sản có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế còn yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá…

Đặc biệt, trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu quy định thành 1 chương riêng về Đấu giá trực tuyến do đây sẽ là hình thức đấu giá phổ biến trong giai đoạn tới nhằm tạo sự minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá tài sản công.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcThu hẹp khoảng chênh giữa giảm lãi suất huy động và cho vay
Bài tiếp theoMột công ty quản lý quỹ bị phạt do không đủ thành viên Hội đồng quản trị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây