Ngân hàng nào đang sở hữu kỷ lục nợ xấu thấp?

0
140

Một nửa quãng đường năm 2021 đã trôi qua với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Với tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19 thì lo ngại nợ xấu ngành ngân hàng gia tăng là hoàn toàn có cơ sở. Tuy vậy, báo cáo tài chính năm 6 tháng đầu năm 2021 mới công bố của các nhà băng lại cho thấy một bức tranh không quá ảm đạm. Nợ xấu vẫn được kiểm soát khá tốt ở phần lớn các ngân hàng, cá biệt một số ngân hàng còn đang sở hữu tỷ lệ nợ xấu thấp kỷ lục, tỷ lệ bao nợ xấu cũng lên cao mức chưa từng có.

Techcombank là một ví dụ. Tính đến cuối tháng 6/2021, ngân hàng này đang có tổng cộng 1.119 tỷ đồng nợ xấu, giảm 13,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh, đạt tới 13% khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay chỉ còn ở mức 0,36%. Đây cũng là ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, cập nhật tới thời điểm hiện tại; đồng thời là mức thấp kỷ lục tại một thành viên trong lịch sử ngành (không tính các trường hợp ở giai đoạn mới đi vào hoạt động trước đây).

Tại ACB, trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo ngân hàng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2021, ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, huy động tăng 1,8%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,7%. Dù tỷ lệ nợ xấu có tăng nhẹ so với cuối năm trước (0,59%) nhưng đây vẫn là mức thấp trong hệ thống.

Trong khi đó, BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm của MB cho biết, tại thời điểm cuối tháng 6, ngân hàng có tổng cộng 2.530 tỷ đồng nợ xấu, giảm 22% so với cùng kỳ, trong đó nợ nhóm 3 tăng 30% nhưng nợ nhóm 4 và nhóm 5 lại giảm. Riêng nợ nhóm 5, tức là các khoản nợ có khả năng mất vốn giảm tới 56%. 

Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó giảm từ 1,09% cuối năm trước xuống còn 0,76%, trong đó riêng ngân hàng là 0,58% – mức thấp kỷ lục của ngân hàng này từ trước tới nay và đứng thứ ba trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. 

Một loạt các ngân hàng khác như BacABank, SCB và Vietcombank cũng sở hữu tỷ lệ nợ xấu thấp ở mức dưới 1%. Tại Kienlongbank, sau khi đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm liên quan đến dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank, đồng thời, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi dự thu, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm mạnh xuống còn 1,43%, so với mức 5,42% hồi cuối năm 2020.

Đây là những con số khá khả quan trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. 

Dù vậy, cũng cần phải nhấn mạnh đây mới là nợ xấu nội bảng. Vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thống kê đến cuối tháng 5/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng. 

Dù vậy, với việc Thông tư 01 được sửa đổi, áp dụng lộ trình trích lập dự phòng trong 3 năm, áp lực đối với các ngân hàng cũng giảm bớt. Bên cạnh đó, việc các nhà băng chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận, gia tăng “bộ đệm” dự phòng cũng giúp chống đỡ với các cú sốc tốt hơn, năng lực để xử lý nợ xấu cũng tốt hơn.

Số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của MB cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro trong quý 2 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 6 tháng tăng 56%.

Với mức tăng mạnh dự phòng rủi ro, đến hết quý 2 năm nay, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu của MB đạt tới 310%, cao gấp đôi so với cuối năm 2020 và đang là mức cao nhất trong toàn ngành.

Trong khi đó, tại ACB, chi phí dự phòng tăng trong 6 tháng vừa qua lên 2.000 tỷ đồng. Con số này cao gấp đôi so với cả năm 2020 và được giải thích là do ngân hàng quyết định trích lập đầy đủ 1.400 tỷ đồng cho toàn bộ số dư nợ được tái cơ cấu thay vì phân bổ trong ba năm theo Thông tư 03.

Lãnh đạo Techcombank thì cho biết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2/2021 là 259%, tăng so với mức 171% tại thời điểm cuối năm 2020, và 109% tại thời điểm 30/6/2020. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 giảm xuống còn 2,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,8% dư nợ hiện tại. Ngân hàng cho biết, khoảng 67% số khách hàng trong chương trình này đã hoàn tất hoặc trả một phần nợ tái cơ cấu tính đến hết tháng 6 năm 2021.

Hay tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã ở mức rất cao ba năm qua, đến cuối tháng 6/2021 vẫn ở khoảng 270%.

Việc tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong vài năm gần đây một mặt cho thấy sự thay đổi khẩu vị rủi ro của nhiều thành viên. Mặt khác, nó giống như “của đề dành” khi không phải khoản nợ xấu nào cũng biến mất. Khoản trích lập này theo đó sẽ được chuyển hóa thành lợi nhuận, khi được hoàn nhập trở lại trong tương lai.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcChia sẻ kinh nghiệm triển khai kiểm toán nội bộ khu vực công
Bài tiếp theoThị trường chứng khoán Việt Nam: Vững vàng trong bão dịch Covid-19

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây