Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, kinh doanh theo phương thức đa cấp được hiểu là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp).
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), bán hàng đa cấp là một ngành được thế giới công nhận và được điều chỉnh chặt chẽ bởi pháp luật Việt Nam. Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù khác biệt với các phương thức bán hàng khác đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng hình thức truyền miệng, không thực hiện các hình thức quảng cáo, marketing như bán hàng truyền thống.
Trong những năm qua, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, kinh doanh đa cấp nở rộ tại Việt Nam, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của mô hình kinh doanh này cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội, đòi hỏi cần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Thực trạng quản lý hoạt động bán hàng đa cấp
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2020, tại Việt Nam có 22 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp, đạt doanh thu hơn 15.400 tỷ đồng năm 2020, với tổng số lượng người tham gia hơn 800.000 người. Tổng số thuế các DN đã nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, trung bình có khoảng 800.000 người tham gia/năm, riêng năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1.250.000 người. Trong đó, thực chất trung bình khoảng 60% số người tham gia là nhận được hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế từ hoạt động bán hàng đa cấp.
Số lượng người còn lại chỉ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp để được mua sản phẩm với giá ưu đãi dành cho nhà phân phối của DN. Thực tế này cho thấy, hoạt động của các DN bán hàng đa cấp hiện nay đã và đang hướng dần tới việc phân phối và lưu thông hàng hóa, không phải là hoạt động đầu tư như trước đây.
Về phương thức hoạt động, theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, so với thế giới, hoạt động bán hàng đa cấp ở Việt Nam cũng không khác biệt gì nhiều. Trên thế giới và Việt Nam đều có sự tương đồng về phương thức tiếp thị theo mạng lưới người tham gia (còn gọi là net work marketing hoặc directselling).
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu, cùng với sự phát triển của các DN bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và bùng nổ. Rất nhiều vụ việc liên quan đến các DN đa cấp hoạt động trong giai đoạn từ trước năm 2016 đã khiến dư luận hoang mang khi một số DN đa cấp gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, gây ra nhiều hệ lụy xã hội.
Trước tình hình đó, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Công Thương quan tâm đẩy mạnh, qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ trung ương đến địa phương. Các giải pháp quản lý được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, với sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương.
Cụ thể, để triển khai đồng bộ công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ trung ương đến địa phương, Bộ Công Thương đã rà soát, xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, đóng vai trò then chốt trong quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn này. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được thực hiện hiệu quả. Các đoàn thanh, kiểm tra của Bộ Công Thương thường có thành viên là đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, cơ quan thuế địa phương nhằm đảm bảo nội dung toàn diện, đồng thời hạn chế tình trạng thanh kiểm tra trùng lặp. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai 65 đoàn thanh tra, kiểm tra, đã thực hiện xử phạt với số tiền hơn 14 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 DN.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo đạt hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính và có ý thức phòng tránh cao hơn. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thường xuyên, đa dạng về phương thức thực hiện để thông tin đến với đông đảo người dân. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương từng bước được cải thiện thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn và qua việc trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng được đẩy mạnh, góp phần rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội.
Đến nay, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan, hoạt động của DN bán hàng đa cấp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp cơ bản đã được kiểm soát tốt, không còn các vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có dấu hiệu giảm rõ rệt so với các năm gần đây. Nếu năm 2016 số lượng đơn khiếu nại tố cáo các DN đa cấp đến hơn 1.000 đơn thư thì năm 2017 con số này đã giảm đáng kể, có hơn 700 đơn thư và đến năm 2020 có 79 đơn thư khiếu nại liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp…
Thách thức đặt ra đối với quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn tới
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, hoạt động kinh doanh đa cấp không có giấy phép kinh doanh và kinh doanh dịch vụ sử dụng mô hình trả thưởng đa cấp như: Đầu tư tài chính, tiền ảo, dịch vụ giáo dục, đào tạo… có xu hướng phát triển nhanh chóng, len lỏi và thu hút người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Do vậy, cần nhận diện một số khó khăn trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn tới, cụ thể:
Thứ nhất, sự phát triển của kinh tế số nói chung và Cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đang tạo ra nhiều hình thức kinh doanh mới, khiến các cơ quan quản lý khó khăn trong kiểm soát, trong khi các khuôn khổ pháp lý, văn bản pháp luật thường không kịp thời được điều chỉnh. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có nhiều biểu hiện biến tướng phức tạp, cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật.
Thứ hai, chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép chưa đủ mạnh nên vẫn còn tình trạng các tổ chức/cá nhân tìm cách lách luật và bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời bất chính.
Thứ ba, hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép hoặc không có phép đã lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận không nhỏ người dân tham gia, điều này cho thấy hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương được triển khai đồng bộ, nhưng vẫn còn ít, chưa bao quát toàn bộ các địa bàn của từng địa phương. Việc xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp vẫn chưa triệt để và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này cũng gặp nhiều khó khăn.
Thứ năm, đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực kinh doanh đa cấp vẫn còn thiếu và yếu. Theo Bộ Công Thương, về nguồn nhân lực thực hiện quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thường được giao kiêm nhiệm cho một cán bộ, khi cán bộ này được thuyên chuyển công tác sang đơn vị khác thì người thay thế thường phải tiếp cận lại từ đầu. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước một cách hệ thống bài bản.
Thứ sáu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp dù đã và đang từng bước được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Một số đề xuất, khuyến nghị
Nhằm nâng cao công tác quản lý bán hàng đa cấp trong thời gian tới, ngoài việc bám sát triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 (kèm theo Quyết định số 2837/QĐ-BCT ngày 05/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương), cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ sau:
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý
Việc thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cần được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với yêu cầu của công tác quản hiện nay. Đồng thời, sửa đổi quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để đảm bảo tính tương thích với quy định về nội dung và đảm bảo tính răn đe…
Thanh tra, kiểm tra
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương cần được triển khai đồng bộ và bao quát toàn bộ các địa bàn của từng địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm và vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tại mỗi địa phương, đặc biệt là Sở Công Thương trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên phạm vi địa bàn…
Nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Nâng cao toàn diện nhận thức của cộng đồng về pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hình thức lợi dụng bán hàng đa cấp kinh doanh trái phép, hướng đến một số đối tượng người dân như người cao tuổi, sinh viên, phụ nữ. Khẳng định hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, đa cấp trá hình như đầu tư tài chính, tiền ảo… là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, trong đó đa số trường hợp thuộc diện xử lý hình sự…
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
Nâng cao năng lực của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đảm bảo năng lực quản lý, giám sát của các cán bộ tại địa phương từ cấp tỉnh tới các cấp hành chính thấp hơn. Trong đó, các hoạt động đào tạo, tập huấn cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo năng lực quản lý, giám sát của các cán bộ tại địa phương từ cấp tỉnh tới các cấp hành chính thấp hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Để ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, cần tối đa hóa việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và DN. Việc vận hành trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cần được duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo cung cấp thông tin và kết nối dữ liệu giữa cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cũng cần đảm bảo tính liên tục và hướng đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao hơn qua từng năm…
Tài liệu tham khảo:
1.Chính phủ (2018), Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;
2.Bộ Công Thương (2020), Quyết định số 2837/QĐ-BCT ngày 05/11/2020 ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2021-2025;
3.Hoàng Lan (2021), Hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam – Chuyển biến tích cực, Báo Công Thương điện tử;
4.Nguyễn Minh (2021), Ngành bán hàng đa cấp: Đẩy lùi tình trạng biến tướng, Báo Ngân hàng điện tử.
(*) Đặng Văn Sáng – Trung cấp Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 7/2021.