Vai trò của minh bạch thông tin đối với phát triển thị trường chứng khoán
TTCK là thị trường “nhạy cảm” phụ thuộc rất lớn vào thông tin. Người có lợi thế về thông tin sẽ có cơ hội giành chiến thắng trong đầu tư. Do vậy, vai trò của MBTT là rất quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng giữa các thành viên tham gia thị trường, qua đó duy trì sự ổn định, bền vững của TTCK.
Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) coi MBTT là một trong 3 trọng tâm để phát triển bền vững TTCK.
Về tổng thể, MBTT là mức độ thông tin đầy đủ, kịp thời, đáng tin cậy được cung cấp bởi các chủ thể (doanh nghiệp (DN) niêm yết, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, sở giao dịch chứng khoán) đến thị trường cho các đối tượng tiếp nhận.
Các nghiên cứu công bố cho thấy, có mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ MBTT với sự biến động của giá, mức độ giao dịch của chứng khoán.
MBTT không chỉ là nghĩa vụ phải thực hiện theo pháp luật, mà còn là quyền lợi của DN trong việc nâng cao uy tín và hình ảnh trên thị trường; đồng thời, là cơ sở để phát triển bền vững và tăng giá trị DN.
MBTT trên TTCK có vai trò quan trọng đối với cả 3 đối tượng tham gia (gồm nhà đầu tư (NĐT), công ty chứng khoán và cơ quan quản lý). Đối với NĐT, đây là điều kiện cần thiết để đầu tư thành công. Đối với công ty chứng khoán, thông tin là cơ sở để xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch phát triển công ty. Đối với cơ quan quản lý, MBTT là cơ sở để điều hành, quản lý đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch.
Trên thực tế có nhiều văn bản quy định chặt chẽ về quản lý MBTT. Từ thực tiễn triển khai cho thấy, khi công bố thông tin cần đảm bảo tính minh bạch theo nguyên tắc: (i) Phải đầy đủ, chính xác, không xuyên tạc, bóp méo hoặc có những hành vi cố ý gây hiểu nhầm; (ii) Phải được công bố kịp thời và liên tục; (iii) Lập và công bố phù hợp với chuẩn mực kế toán, đảm bảo dễ hiểu, đáng tin cậy và có thể so sánh được; (iv) Đảm bảo công bằng đối với các đối tượng nhận thông tin công bố, không có sự phân biệt giữa các đối tượng; (v) Đối tượng công bố phải có trách nhiệm với thông tin công bố về hình thức, nội dung cũng như tính minh bạch của thông tin.
Các nguyên tắc này phải được tuân thủ ở tất cả các đối tượng thuộc diện phải công bố thông tin (CBTT) gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, các công ty đại chúng, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các cá nhân có liên quan.
Tại TTCK phát triển, MBTT được kiểm soát rất hiệu quả nhờ việc ban hành quy định chặt chẽ, các biện pháp giám sát mạnh mẽ, đặc biệt là các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ đã thiết lập khung pháp lý đồng bộ, hiệu lực để quản lý TTCK nói chung và hệ thống CBTT nói riêng. Hoạt động của các chủ thể tham gia TTCK đều phải tuân thủ những quy định của Ủy ban Chứng khoán Mỹ trong Quy chế CBTT, cũng như các hoạt động giao dịch.
Hay như ở Nhật Bản, nước này đặc biệt coi trọng việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng internet làm phương tiện để thực hiện CBTT, các tài liệu về báo cáo kinh doanh, báo cáo tài chính được gửi bằng email cho các cổ đông gửi kèm trong báo cáo thường niên.
Theo Luật Doanh nghiệp Nhật Bản, các tài liệu này phải luôn được lưu giữ ở trụ sở của công ty hoặc chi nhánh của công ty để các cổ đông theo dõi, bảng cân đối kế toán phải được công bố trên phương tiện báo chí hoặc nhật báo.
Tất cả các công ty đại chúng Nhật Bản phải sử dụng mạng CBTT điện tử dành cho NĐT EDINET để gửi báo cáo chứng khoán thường niên và các báo cáo khác theo quy định cho Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản.
Thực trạng minh bạch thông tin và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Các quy định về công bố và MBTT được nêu trong các văn bản pháp luật và dần tiệm cận với chuẩn mực và xu hướng thế giới. Quy định chi tiết về CBTT được nêu rõ trong Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư số 96/2020/ TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn CBTT trên TTCK.
Vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 128/2021/ NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Theo đó, CBTT phải tuân thủ các yêu cầu về nội dung, loại thông tin, thời gian, cũng như tần suất CBTT. Thực tế cho thấy, việc ban hành kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của thị trường đã giúp việc thực thi của các chủ thể tham gia trên thị trường ngày càng tốt hơn.
Đáng chú ý, việc thực thi có hiệu quả các quy định của các chủ thể trên thị trường trong thời gian qua đã làm gia tăng đáng kể chất lượng CBTT, số lượng các tổ chức thực hiện nghĩa vụ và chất lượng của thông tin công bố.
Theo thống kê, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 568 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với tổng số tiền phạt 29,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các vi phạm về CBTT (Duy Thái, 2022).
Nhằm ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có đóng góp của hoạt động CBTT, ngày 26/5/2022, S&P Global Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định”. Điều này góp phần nâng cao uy tín quốc gia, mặt khác gia tăng uy tín đối với các NĐT quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đảm bảo MBTT trên TTCK thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, trên thị trường vẫn xuất hiện tình trạng các công ty đại chúng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin theo quy định, khiến các NĐT không có thông tin thậm chí là tiếp nhận thông tin sai sự thật từ đó “mất phương hướng” đầu tư. Chẳng hạn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, tháng 3/2022, Công ty này bị xử phạt vì công bố sai lệch, không CBTT phải công bố và công bố không đầy đủ nội dung.
Đến tháng 5/2022, Công ty này tiếp tục bị phạt do không CBTT đối với thông tin phải công bố theo quy định. Cũng trong tháng 5/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC công bố 326 trang tài liệu của 51 Nghị quyết Hội đồng quản trị liên quan đến các hoạt động giao dịch của Công ty, các thông tin vốn cần phải được công bố 24 tiếng sau khi giao dịch.
Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn còn xuất hiện một số lãnh đạo doanh nghiệp, công ty chứng khoán có những hành vi vi phạm về CBTT như mua/bán chui (không báo cáo/báo cáo không đúng/không công bố về dự kiến giao dịch; giao dịch ngoài/trước khoảng thời gian Sở giao dịch CBTT; giao dịch vượt quá/ không đúng giá trị chứng khoán đã đăng ký; đăng ký mua/bán chứng khoán nhưng không tiến hành mua/bán không báo cáo lý do, thậm chí mua bán không theo công bố.
Từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan quản lý đã phát hiện và xử lý 220 cá nhân vi phạm pháp luật trên TTCK, trong đó 40% là lãnh đạo doanh nghiệp ở các cấp; 5% là thành viên ban kiểm soát, ban kiểm toán nội bộ; 25% là người liên quan của người quản lý doanh nghiệp; số còn lại là các cổ đông lớn, cổ đông kiểm soát (Lưu Minh Sang, 2022).
Sự “bất cân xứng thông tin” trên TTCK không chỉ dừng lại ở khả năng cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, yêu cầu công bằng trong tiếp nhận thông tin, mà còn là việc một số thành viên thị trường có khả năng tiếp cận thông tin nhiều hơn so với các thành viên cùng tham gia thị trường.
Trên thực tế, các công ty chứng khoán có khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn so với các NĐT khác; đồng thời, với việc vừa thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư vừa thực hiện hoạt động tự doanh, việc này có thể dẫn đến “thiệt thòi” cho các NĐT. Trong khi đó, theo quy định hiện tại, thông tin tự doanh của các công ty chứng khoán không thuộc diện phải công bố.
Vấn đề thông tin minh bạch thị trường vẫn là một trong những yếu tố hạn chế để phát triển TTCK Việt Nam ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Trong khi, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế khuyến nghị nên công khai, minh bạch dữ liệu là yếu tố cần cải thiện để Việt Nam có được thứ hạng cao hơn trong thời gian tới (Nguyễn Thị Thuỵ Hương, 2022).
Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CBTT. Cần quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung về CBTT trên TTCK trong các văn bản pháp luật.
Để đảm bảo công bằng trong tiếp cận thông tin, cần có chính sách quy định về CBTT giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán và là yêu cầu bắt buộc với các sở giao dịch chứng khoán. Các thông tin này cần được cập nhật liên tục trong phiên như đối với giao dịch của khối ngoại, thay vì chỉ là công bố sau khi kết thúc phiên như hiện nay.
Thứ hai, nâng cao khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán để đảm bảo tính răn đe hướng tới phát triển thị trường minh bạch, ổn định. Theo đó, cần nâng trần mức xử phạt, hoặc đưa ra mức xử phạt gấp nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm, cộng thêm các hình thức xử phạt bổ sung như cấm giao dịch, cấm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán.
Thứ ba, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động quản lý. Tiếp tục triển khai hệ thống CBTT dành cho công ty đại chúng nhằm hỗ trợ các công ty đại chúng thực hiện việc báo cáo và CBTT điện tử.
Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác quản lý giám sát các thành viên thị trường: Công ty chứng khoán, Công ty Quản lý quỹ và quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký giám sát, Văn phòng đại diện/Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; Người hành nghề chứng khoán.
Đồng thời, đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Nâng cấp, hoàn thiện Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (tại địa chỉ: www.ssc.gov.vn) đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là “Cổng giao tiếp giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước” với NĐT, người dân và doanh nghiệp.
Thứ tư, nâng cao vai trò của công ty kiểm toán đối với chất lượng CBTT. Hiện còn một số công ty kiểm toán không làm hết trách nhiệm, thậm chí cấu kết với các doanh nghiệp, khiến các thông tin sai lệch được bỏ qua, hoặc được thể hiện không rõ ràng nhằm tránh những xung đột lợi ích với doanh nghiệp niêm yết (để được tiếp tục cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác như báo cáo thuế, báo cáo tài chính…).
Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc nâng mức xử phạt khi các công ty kiểm toán, các kiểm toán viên không làm đúng trách nhiệm của mình, cũng cần có biện pháp làm giảm xung đột lợi ích giữa công ty kiểm toán với doanh nghiệp niêm yết.
Việc giới hạn chi phí, số dịch vụ công ty kiểm toán được cung cấp cho doanh nghiệp hay việc chỉ định công ty kiểm toán được thực hiện bởi bên thứ ba, quy định về thời gian kiểm toán kéo dài 5-7 năm là những giải pháp cần được xem xét và nghiên cứu áp dụng.
Tài liệu tham khảo:
1. Tạ Thanh Bình (2016), Minh bạch và CBTT trên thị trường chứng khoán, Tài liệu bồi dưỡng kiến thức thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
2. Mai Thị Hoa (2019), Đo lường mức độ minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX, Tạp chí tài chính, kỳ 2 tháng 11/2019;
3. Nguyễn Thị Thuỵ Hương (2022), ASIFMA ban hành báo cáo khảo sát thị trường vốn châu Á – Thái Bình Dương năm 2022; Tạp chí Chứng khoán số 281, tháng 3/2022;
4. Duy Thái (2022), Công bố thông tin là trọng tâm để nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán; https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cong-bo-thong-tin-la-trong-tam-de-nang-cao-chat-luong-thi-truong-chung-khoan-101265.html;
5. P (2022), S&P nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam: Tạo động lực lớn để tiến tới mức “đầu tư”; https://dangcongsan.vn/kinh-te/s-p-nang-hang-tin-nhiem-cua-viet-nam-tao-dong-luc-lon-de-tien-toi-muc-dau-tu-610989.html;
6. Lưu Minh Sang (2022), Làm sao để lãnh đạo công ty đại chúng hành xử chuẩn mực, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, số 38-2022.
*Theo TS. Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Khoa Quản trị – Tài chính, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2022.