Kiều hối vẫn tăng ở các nhà băng

0
165

Kiều hối 2020 của Việt Nam tạm ước sụt giảm nhẹ 7% so với 2019 còn 15,7 tỷ USD, chiếm 5,8% GDP. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới Việt Nam vẫn tiếp tục có tên trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.

Tự động hóa giao dịch kiều hối

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. Điều đó khiến cho hoạt động xuất khẩu lao động trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.

Số liệu cho thấy, năm 2020 xuất khẩu lao động Việt Nam giảm hơn 60% so với năm 2019. Trong đó, một số thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… bị đình trệ, bản thân những lao động hiện đang làm việc tại đây cũng gặp khó khăn trong cuộc sống và việc làm.

Đáng nói, tại một số ngân hàng doanh số kiều hối vẫn duy trì ở mức tích cực nhờ các chính sách thu hút kiều hối tốt.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết doanh số kiều hối chuyển về thông qua hệ thống Sacombank trong năm nay dự kiến tăng gấp 2 lần so với năm 2019.

Có sự đột biến này, theo ông Nguyễn Minh Tâm do năm nay, Sacombank áp dụng phương thức thanh toán kiều hối qua hệ thống thanh toán trực tuyến API, tạo thuận lợi cho khách hàng có thể chuyển những khoản tiền nhỏ nhất và chuyển được nhiều lần mà không mất nhiều thời gian, thủ tục.

Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng này đã xác định năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn đối với mảng kinh doanh dịch vụ kiều hối nên ngân hàng đã nhanh chóng đẩy mạnh tự động hóa giao dịch kiều hối, mở các kênh giao dịch online, nhận tiền online qua tài khoản và Internet… Nhờ đó lượng kiều hồi chuyển về qua ngân hàng vẫn được duy trì.

Một ngân hàng có doanh số chuyển tiền kiều hối lớn nữa là Agribank cũng vẫn giữ được “phong độ” trong năm 2020. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank cho biết, với việc tích cực triển khai nhiều chương trình thu hút kiều hối, cải tiến chất lượng dịch vụ kiều hối qua Agribank năm 2020 đạt 1.050 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2019.

Trong khi đó, doanh số kiều hối chuyển về Việt Nam qua Vietcombank vẫn đạt con số ấn tượng trên 2 tỷ USD.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, xu hướng kiều hối chuyển qua tài khoản tăng mạnh trong vài năm nay nhờ tỷ giá được kiểm soát ổn định. Dù phí thu được từ kiều hối không nhiều và có sự cạnh tranh rất mạnh nhưng các ngân hàng vẫn chủ động thu hút kiều hối để quảng bá thương hiệu, đa dạng dịch vụ và bán chéo sản phẩm.

Kiều hối trong năm 2021 sẽ sụt giảm?

Theo các ngân hàng, trước đây nguồn kiều hối chủ yếu hỗ trợ người thân nhưng nay có xu hướng xoay chiều. Kiều hối còn đến từ lượng người Việt làm việc ở nước ngoài chuyển tiền về nước bổ sung nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng tiêu dùng và thúc đẩy gia tăng đầu tư.

Một tín hiệu tích cực là rất nhiều người nhận kiều hối bán lại USD cho ngân hàng để nhận VND nhằm dễ dàng đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước. Đơn cử theo thống kê của Agribank có 50% lượng kiều hối được nhận về là VND. Điều đó giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào để phục vụ cho khách hàng phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kiều hối toàn cầu có thể sụt giảm tới 14%, gấp đôi mức sụt giảm đã dự báo đưa ra trước đó cho 2020.

Các chuyên gia nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt biến thể của chủng vi-rút Covid-19 khiến nhiều quốc gia lo ngại dịch khó có thể kiểm soát dù một số nước đã tiến hành thử nghiệm vắc-xin phòng chống bệnh. Điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam.

Theo một chuyên gia, kiều hối dự kiến sụt giảm trong năm 2021, vì vậy các ngân hàng cần điều chỉnh chính sách phù hợp, vừa đảm bảo tiếp tục các ứng phó phù hợp với nội tại Việt Nam và luật lệ quốc tế, vừa không để thâm hụt tài khoản vãng lai.

Thực tế, hiện nay nhiều ngân hàng đã ứng dụng mạnh mẽ chuyển tiền qua kênh điện tử tạo thuận lợi cho người dân. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, kiều hối sẽ tốt hơn khi chuyển tiền qua kênh điện tử tạo thuận lợi rất lớn cho người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cũng như Việt kiều.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ kéo theo các hệ quả về suy thoái kinh tế, đóng cửa biên giới, bảo hộ công dân và thị trường lao động. Do đó, nguồn kiều hối năm 2021 của Việt Nam sẽ khó tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2020.

Trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như giáo dục và sức khỏe cộng đồng… tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục có chính sách mở rộng cho vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước…

Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, sự ổn định và tăng trưởng tích cực của kinh tế Việt Nam năm qua, đặt kỳ vọng cho tăng trưởng kinh tế cao 2021, mặt khác cũng là yếu tố thuận lợi có thể thu hút mạnh nguồn kiều hối đổ về Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcGhi nhận nhiều điểm sáng tại Hải quan Bình Dương
Bài tiếp theoAgribank tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây