Điểm sáng trong cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), thời gian qua, Cục Hải quan Bình Dương đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa hải quan. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, luôn được Cục Hải quan Bình Dương thường xuyên quán triệt và chỉ đạo thực hiện.
Cùng với việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, quy định của Chính phủ, của Ngành và địa phương về CCHC, hiện đại hóa hải quan, Cục Hải quan Bình Dương đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về: CCHC, triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính. Mục tiêu là nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh, chỉ số CCHC năm 2020.
Cục Hải quan Bình Dương luôn xác định, CNTT đóng vai trò then chốt trong công tác cải cách hiện đại hóa. Vì vậy, thời gian qua, Cục luôn chủ động nghiên cứu xây dựng và ứng dụng các chương trình phần mềm vào công tác nghiệp vụ, đến nay hầu hết các khâu nghiệp vụ đã được tin học hóa. Riêng trong năm 2020, Cục Hải quan Bình Dương đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều phần mềm tiện ích nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý, giải quyết công việc nâng cao hiệu quả quản lý và tiện ích cho DN.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để xây dựng phần mềm phân tích dữ liệu xuất nhập khẩu (XNK) của các DN trên địa bàn và hoàn thành xong việc sơ kết phần mềm Phân tích số liệu XNK; hoàn thiện phần mềm Đánh giá sự hài lòng và đưa vào triển khai thí điểm tại Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một.
Đặc biệt, Cục Hải quan Bình Dương đã duy trì thực hiện tốt việc công bố Bộ TTHC tại nơi làm việc và trên Cổng thông tin điện tử. Kịp thời tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan…
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh việc đẩy mạnh CCHC, hiện đại hóa hải quan, Cục Hải quan Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do tác động xấu từ dịch Covid-19. Cụ thể, lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương đã chỉ đạo các chi cục nắm bắt tình hình hoạt động thường xuyên đối với các DN nhằm có giải pháp kịp thời hỗ trợ xử lý khó khăn cho DN.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK của các DN, Cục Hải quan Bình Dương đã xây dựng ngân hàng các câu hỏi về thủ tục hải quan thường gặp của các DN. Ngân hàng câu hỏi được gửi đến tất cả DN trên địa bàn thông qua đầu mối là các Chi/Hiệp hội DN để tham khảo, đồng thời đăng tải công khai tại mục “Hỏi – Đáp” trên https://haiquanbinhduong.gov.vn, để DN thuận tiện tra cứu, tìm hiểu. Đây là hoạt động thiết thực trong công tác hỗ trợ, giúp DN thuận lợi hơn, chủ động trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và chấp hành chính sách pháp luật về hải quan.
Đánh giá về công tác hỗ trợ DN của Cục Hải quan Bình Dương, ông Kim Won Sik – Chủ tịch Chi hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương khẳng định: Với hơn 300 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Bình Dương, thời gian qua đã luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi từ Cục Hải quan Bình Dương. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Hàn Quốc bị tác động không nhỏ, Hải quan Bình Dương đã luôn đồng hành, hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, từng bước phục hồi ổn định.
Mạnh tay xử lý gian lận xuất xứ
Là địa bàn có lượng DN gia công, sản xuất xuất khẩu lớn, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK, thời gian qua, Cục Hải quan Bình Dương đã chủ động phát hiện và xử lý mạnh các vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã phát hiện 1.423 trường hợp vi phạm, giảm 163 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Các vụ việc vi phạm chủ yếu là vi phạm về thời gian làm thủ tục hải quan, khai sai tên hàng mã số, xuất xứ, khai sai số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu… Điển hình như trường Công ty đồ gỗ D., hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, New Zealand và Brazil…
Khi về nhà máy tại Việt Nam có trải qua các công đoạn như khoan lỗ, chà nhám, sơn, lắp ráp, tuy nhiên đây là những công đoạn gia công chế biến đơn giản được quy định tại Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP nên không được xét đến khi xác định xuất xứ. Theo đó, việc công ty khai báo xuất xứ đối với các mặt hàng trên có xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu là không đúng với quy định. Với hành vi vi phạm trên, Cục Hải quan Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, truy thu thuế, phạt nộp bổ sung với tổng số tiền trên 293 triệu đồng.
Cục Hải quan Bình Dương cho biết, qua quá trình thực thi chính sách quản lý liên quan đến lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, đơn vị đã phát hiện không ít vướng mắc, bất cập. Chẳng hạn, sau khi kiểm tra cơ quan hải quan xác định được hàng hóa chỉ trải qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản như quy định tại Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP hàng hóa không được xem xét xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, việc ghi nhãn xuất xứ trên bao bì, trên sản phẩm xuất khẩu và khai báo tại tiêu chí xuất xứ trên tờ khai hải quan xuất khẩu như thế nào hiện chưa có quy định. Hiện nay, DN thực hiện các công đoạn gia công, sản xuất giản đơn theo Điều 9 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP, tuy nhiên lại sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dụng hoặc có dây chuyền sản xuất đặc thù thì có được xem xét xuất xứ hàng hóa hay không…
Trước những tồn tại trên, Cục Hải quan Bình Dương đã báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn thực hiện; đồng thời, Cục có văn bản hướng dẫn tạm thời một số nội dung về xuất xứ hàng hóa đối với hàng xuất khẩu để các Chi cục trực thuộc và các DN có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thực hiện.
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trên, trong thời gian tới, Hải quan Bình Dương, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN thực hiện các thủ tục cho hoạt động XNK, vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có trọng tâm, trọng điểm…