Tại các siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, Big C Quy Nhơn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thông tin về nguồn dự trữ các mặt hàng thiết yếu, nhất là nguồn cung thực phẩm tươi sống khá đa dạng. Các siêu thị tìm nhiều nguồn hàng hóa trong và ngoài tỉnh, đảm bảo không bị đứt gãy nguồn cung, giá bình ổn. Mặt hàng trứng gà, vịt tăng giá khá cao nhưng các siêu thị vẫn đảm bảo giá tăng ít, rẻ hơn ngoài thị trường bằng cách cắt giảm một phần lợi nhuận.
Các siêu thị triển khai chặt chẽ công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn cho đội ngũ nhân viên và khách hàng; từ chối bán hàng cho khách mua gom số lượng lớn để bán lại giá cao hơn nhằm trục lợi.
Trong khi đó, các DN phân phối hàng hóa như Công ty TNHH Thương mại sản xuất – Xuất nhập khẩu Anh Nhật, Công ty TNHH Thiên Phúc – đang phân phối hàng hóa cho hơn 5.000 cửa hàng, tạp hóa, sạp ở các chợ trong toàn tỉnh – gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn cung cho các công ty này từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đứt gãy do DN sản xuất hoạt động cầm chừng hoặc tạm nghỉ. Việc cung ứng hàng hóa cho các điểm tại các xã, phường trong tỉnh, nhất là địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, gặp nhiều khó khăn do yêu cầu phải có văn bản của UBND huyện, thị xã; nhiều chuyến xe chở hàng cung ứng buộc phải quay về. Dù vậy, toàn bộ sản phẩm của các công ty phân phối trên địa bàn tỉnh giữ giá bình ổn.
Đoàn công tác đánh giá cao nỗ lực cung ứng hàng hóa, bình ổn giá của các DN, siêu thị. Đối với kiến nghị “phân luồng xanh” cho các DN phân phối hàng hóa, Sở Công Thương ghi nhận và sẽ tham mưu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cụ thể, gỡ khó cho DN.
Những đơn vị có đội ngũ lái xe, nhân viên giao hàng chưa được tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 sẽ được đề xuất trong đợt tiêm gần nhất, đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy vì thiếu nhân lực…