Theo những nghiên cứu từ Fitch Solutions, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ tương đối thuận lợi vào năm 2022, ngay cả khi nhiều ngân hàng trung ương lớn, ngân hàng thuộc các nền kinh tế mới nổi đang thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát tăng cao. Trong hai năm qua, NHNN đã giữ lãi suất tái cấp vốn chuẩn ở mức thấp kỷ lục 4%, sau khi cắt giảm từ mức 6% vào năm 2020.
Mặc dù tác động của giá hàng hóa toàn cầu tăng sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn, nhưng việc cắt giảm thuế sẽ giúp bù đắp một số tác động tiêu cực. Hơn nữa, chưa thể thắt chặt quá mạnh chính sách tiền tệ do sự phục hồi kinh tế vẫn còn yếu. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% năm 2022 từ mức 13,6% năm 2021, cho thấy ngân hàng trung ương vẫn cần quan tâm đến việc giữ chính sách tiền tệ phù hợp nhất có thể. Tính đến hết quý I/2022, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%. Nếu so với mức tăng 2,16% của quý I/2021 thì con số trên là tín hiệu khả quan. Do đó, Fitch Solutions dự báo lãi suất tái cấp vốn chuẩn chỉ tăng 25 điểm cơ bản trong năm nay, lên 4,25%.
Thực tế, trong nước áp lực lạm phát cũng đang lớn hơn, cộng thêm cầu tín dụng đang tăng nhanh sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm sâu hơn. Từ nửa cuối tháng 4 đến nay, nhiều ngân hàng cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với các kỳ hạn dài. Các chuyên gia nhận định, xu hướng này có thể còn tiếp tục trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng đang tăng lên.
Tốc độ phục hồi kinh tế vẫn còn chậm sẽ khuyến khích NHNN thực hiện một cách tiếp cận thận trọng để tăng tỷ lệ chính sách. Trong khi các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đã được nới lỏng một cách đáng kể, giá hàng hóa cao, nguồn cung toàn cầu liên tục bị gián đoạn và nhu cầu bên ngoài thấp sẽ gây một số khó khăn cho sự phục hồi kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình và ăn vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Tốc độ phục hồi kinh tế đang dần được thể hiện rõ qua các chỉ báo tần số cao. Thí dụ, dữ liệu về tính di động của Google cho thấy rằng, trong khi đang trong quá trình phục hồi kinh tế, lưu lượng người tiêu dùng tại các cửa hàng bán lẻ chỉ mới bắt đầu tăng trên mức ở trước đại dịch. Các chuyên gia đang kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2022, với dự báo tăng trưởng GDP thực tế là 6,8%, từ mức thấp trong nhiều thập kỷ là 2,6% vào năm 2021. Nhưng kinh tế toàn cầu gặp khó khăn từ chính sách zero-Covid ở Trung Quốc và xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ có khả năng khiến các chính sách liên quan đến tiền tệ phải tiếp tục được điều tiết một cách thận trọng.
Hơn nữa, mặc dù giá cả hàng hóa cao và sự gián đoạn nguồn cung sẽ gây áp lực tăng giá, nhưng việc cắt giảm thuế tạm thời sẽ phần nào ngăn chặn việc chuyển áp lực giá sang người tiêu dùng, tạo thêm dư địa chính sách cho NHNN. Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong tám tháng là 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái và nó sẽ tiếp tục tăng cao, do chi phí đầu vào hàng hóa tăng và gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến giá tiêu dùng. Tuy nhiên, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế các tác động. Đáng chú ý nhất là ngày 1/4, Chính phủ đã hạ 50% thuế suất bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm xăng dầu và cắt giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất trong nước.
Tính đến tất cả những yếu tố trên, các chuyên gia dự báo lạm phát sẽ ở mức trung bình là 3,7% vào năm 2022. Đây là mức điều chỉnh tăng so với dự báo trước đó của Fitch là 3,4%. Lạm phát càng gần mức mục tiêu 4% của năm 2022 sẽ khiến NHNN phải bắt đầu thắt chặt tiền tệ trong năm nay. Nhưng lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp so với hầu hết các thị trường mới nổi khác.
NHNN đã tích lũy dự trữ ngoại hối trong vài năm qua, với dự trữ ước tính bốn tháng tính đến cuối năm 2021, tăng từ hai – ba tháng trong giai đoạn 2012 – 2019. Điều này phản ánh vị thế của Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài và thặng dư tài khoản vãng lai ổn định, dẫn đến dòng chảy mạnh mẽ của đồng USD vào trong nước. Mặc dù đồng Việt Nam hiện đang giảm 0,6% so với đầu năm và biến động tỷ giá trong khu vực đang tăng lên, nhưng NHNN có đủ nguồn lực để hỗ trợ tiền đồng nếu cần thiết.