Kẹt trả nợ vì giãn cách, người dân có nguy cơ “gánh” nợ xấu

0
139

Mới đây, trong văn bản ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 03/TT-NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tính đến việc hỗ trợ các khách hàng có hoạt động ở vùng giãn cách xã hội trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua.

Người dân khó trả nợ ngân hàng

Theo quy định tại Thông tư 03, để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng phải có đề nghị và được tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên trong thực tế, có trường hợp doanh nghiệp, người dân vẫn có khả năng trả nợ nhưng không thể ký được giấy đề nghị cơ cấu và/hoặc không thể nộp tiền thanh toán nợ do đang cách ly (theo diện F1, F2) hoặc không được di chuyển ra khỏi địa phương do không phải là nhu cầu thiết yếu, cấp bách. Việc chậm thanh toán trong những trường hợp này vẫn bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn (xấu hơn) theo quy định của NHNN.

Anh N.T.L (TP. Hồ Chí Minh) cho biết anh thế chấp quyển sổ tiết kiệm để vay 200 triệu đồng tại một ngân hàng thương mại cổ phần, khoản vay đáo hạn vào ngày 3/9. Ngày 22/8 nhận được tin nhắn lịch thanh toán nợ vay, anh T.L đã chủ động liên hệ hỏi việc thanh toán lãi vay khi TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn giãn cách và được cho biết phải thanh toán cùng lúc lãi và gốc vào ngày đáo hạn, nếu không khoản nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu.

“Hai tháng nay tôi làm việc tại nhà, công ty cũng không cấp giấy đi đường. Vì vậy, không thể ra khỏi nhà. Trong khi đó, chi nhánh ngân hàng tôi vay vốn lại nằm trong diện tạm đóng cửa. Tôi có đề xuất lãi lùi lại sau đợt giãn cách có thể sau ngày 6/9 tới. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng cho biết ngân hàng phải tuân thủ theo quy định của NHNN. Tại hợp đồng vay cũng đã quy định rõ, toàn bộ nợ gốc sẽ được hoàn trả vào ngày kết thúc thời hạn vay”, anh T.L cho hay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, đây là những nguyên nhân mang tính khách quan và tình trạng này diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay nên rất cần có hướng dẫn giải pháp hỗ trợ các trường hợp này theo hướng, nếu khách hàng có khoản nợ đáo hạn trong thời gian phong tỏa, thời gian đáo hạn sẽ được dời sang sau thời gian phong tỏa.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng được chủ động cơ cấu nợ với các khách hàng bị phong tỏa mà không cần đề nghị khách hàng cung cấp hồ sơ/tài liệu chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19.

“Việc hoãn trả nợ được ngân hàng thực hiện tự động; các thông báo về lịch trả nợ mới sẽ được gửi đến khách hàng đầy đủ qua các kênh thông báo hiện tại như tin nhắn, email…”, ông Hùng kiến nghị.

Gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp

Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng cũng kiến nghị gỡ khó cho những khoản nợ đến hạn nhưng chưa thể trả do giãn cách xã hội. 

Cụ thể là hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc trả nợ gốc, lãi vay trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động. Tạo điều kiện thực hiện gia hạn nợ, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không điều chỉnh nhóm nợ… và các giải pháp phù hợp khác.

Trước đó, khi nhận văn bản chỉ đạo của NHNN, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị NHNN chi nhánh Đà Nẵng khẩn trương triển khai đến các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn và có biện pháp phù hợp để theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, kịp thời hướng dẫn xử lý các vướng mắc liên quan.

Đồng thời, NHNN chi nhánh Đà Nẵng cũng có văn bản gửi NHNN. Văn bản cho hay, thực hiện quy định của TP. Đà Nẵng, trong thời gian này khách hàng có khoản vay tại các tổ chức tín dụng không thể đến giao dịch trực tiếp trả nợ gốc, lãi khi đến hạn. Do đó, việc đôn đốc thu hồi nợ, xử lý nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các khoản nợ mà khách hàng đến thực hiện giao dịch trực tiếp tại tổ chức tín dụng.

“Để có cơ sở hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ, xử lý nợ trong thời gian giãn cách xã hội, NHNN chi nhánh Đà Nẵng đề nghị NHNN có văn bản hướng dẫn cụ thể để các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện”, văn bản nêu.

Phản hồi về những vướng mắc này, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, NHNN đang gấp rút sửa đổi các Thông tư 01, Thông tư 03, trong đó, có sửa đổi cả nội dung liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đang giãn cách phòng chống dịch. NHNN cố gắng ban hành các sửa đổi này trong thời gian sớm nhất sau khi nhận được phản hồi ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan.

Về việc nộp tiền lãi và gốc vay, NHNN cho biết các ngân hàng vẫn hoạt động giao dịch và khách hàng hoàn toàn có thể nộp tiền qua hệ thống thanh toán điện tử.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcĐất nền Phú Quốc liệu có “sốt” sau quy định tách thửa?
Bài tiếp theo[Infographics] Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 còn dư 8.368 tỷ đồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây