Đổi mới cơ chế quản lý, điều tiết thu chi ngân sách theo hướng giảm dần bao cấp của Nhà nước

0
138

Bổ sung, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính ngân sách nhà nước

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI khẳng định, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo: “Tích cực giảm bội chi ngân sách bằng cách tạo ra nguồn thu và tăng thu đúng chính sách. Tiết kiệm chi và đình, hoãn những khoản chi chưa cấp bách, giảm dần đi tới chấm dứt việc phát hành tiền để chi ngân sách. Tăng cường quản lý lưu thông tiền tệ, thu hút tiền nhàn rỗi trong nhân dân, quay nhanh đồng tiền. Mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, phục vụ tốt sản xuất – kinh doanh”…

Thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, tài chính Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới (1986 – 1990) đã tích cực đổi mới cơ chế quản lý, điều tiết thu chi ngân sách theo hướng giảm dần bao cấp của Nhà nước. Theo đó, cơ chế quản lý tài chính ngân sách nhà nước (NSNN) cũng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, nhằm thúc đẩy nền kinh tế chuyển sang hạch toán kinh doanh, bồi dưỡng và khai thác khả năng của nền kinh tế quốc dân để phát triển sản xuất, tăng tổng sản phẩm xã hội, tăng thu nhập quốc dân, trên cơ sở đó mà bối dưỡng và khai thác nguồn vốn tài chính, phục vụ cho những phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã cân bằng thu, chi ngân sách là nhiệm vụ hàng đầu của công cuộc đổi mới tài chính trong giai đoạn 1986 – 1990.

Về thu, việc bổ sung sửa đổi các chính sách thuế và thực hiện chính sách tận thu các khoản thu ngoài thuế đã làm cho nguồn thu trong nước tăng nhanh. Năm 1990, nguồn thu trong nước chiếm 78% tổng thu NSNN (thu ngoài nước chiếm 22%). Mặc dù trong giai đoạn này nhịp độ tăng trường kinh tế giảm sút, thu nhập quốc dân bình quân hàng năm chỉ tăng 3,3%, nhưng đã tập trung động viên được trên 20% vào NSNN.

Về chi, nhằm phục vụ các mục tiêu kinh tế – xã hội của cả nước, trong 5 năm 1986 – 1990, ngân sách đã chi cho tích lũy với khối lượng bằng 27,61 lần và chi cho tiêu dùng bằng 32,63 lần so với 5 năm 1981 – 1985. Cơ cấu chi ngân sách có sự thay đổi: chi tích lũy từ chỗ chiếm tỷ trọng 31,2% trong giai đoạn 1981 – 1985 giảm xuống 29,6% trong giai đoạn 1986 – 1990, kéo theo tỷ trọng chi tiêu dùng tăng tương ứng từ 68,8% lên 70,4%. Trong chi tích lũy đã phân phối 78,6% cho vốn XDCB, 21,4% cho vốn lưu động và vốn dự trữ nhà nước.

Vốn xây dựng cơ bản vẫn là khoản chi quan trọng: Chiếm tỷ trọng 23,3% tổng số chi NSNN và tăng 24 lần so với giai đoạn 1981 – 1985. Vốn lưu động và vốn dự trữ nhà nước trong 5 năm (1986 – 1990) bằng 61,19 lần giai đoạn 1981 – 1985 với nội dung cấp vốn lưu động cho những xí nghiệp quốc doanh mới bước vào hoạt động và tăng cường lực lượng dự trữ của Nhà nước.

Đặc biệt, trong những thời điểm cần thiết của năm 1989, khi giá lương thực xuống thấp, cùng với chủ trương đề ra giá mua tối thiểu để thúc đẩy thu mua và xuất khẩu lương thực, Nhà nước đã chỉ đạo ngành Tài chính cấp vốn ngân sách để tăng hàng chục tỷ đồng vốn lưu động cho ngành lương thực và tăng hàng chục vạn tấn dự trữ chính phủ nhằm hỗ trợ nông dân có điều kiện tái sản xuất thuận lợi[1].

Chi về tiêu dùng trong 5 năm (1986 – 1990) đã bố trí kinh phí phục vụ tốt hơn cho các chính sách xã hội và tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh của đất nước. Công tác quản lý tài chính được cải tiến, vừa chú ý tiết kiệm, vừa đề cao trách nhiệm tự tìm nguồn để chi, không dựa tất cả vào ngân sách.

Bên cạnh các khoản chi cho hoạt động sự nghiệp thường xuyên, NSNN còn phát triển các tổ chức hoạt động sự nghiệp có thu, gán thu bù chi… đáp ứng yêu cầu phát triển phúc lợi xã hội của nhân dân, đồng thời giảm bớt yêu cầu chi quá lớn mà NSNN chưa đáp ứng được. Ngoài ra, NSNN còn dành một số quỹ tài chính phục vụ các mục tiêu có tính chất đặc thù như: Quỹ phòng chống bệnh sốt rét, bệnh bướu cổ, bù lỗ chiếu phim vùng cao, dự trữ một số mặt hàng thiết yếu về thuốc men, lương thực miền núi.

Cải tiến công tác quản lý hoạt động sự nghiệp 

Công tác quản lý hoạt động sự nghiệp được cải tiến theo hướng thúc đẩy chuyển sang hạch toán tự trang trải một phần tài chính như: xây dựng mô hình trường bán công và dân lập trong ngành giáo dục, thực hiện từng bước đóng bảo hiểm y tế trong ngành y tế, giao một phần quản lý bảo hiểm xã hội cho Công đoàn cơ sở. Qua đó, vừa đảm bảo các hoạt động sự nghiệp tiến hành bình thường, vừa đáp ứng một số mục tiêu cấp bách theo yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hoá xã hội giai đoạn này.

Thực hiện chủ trương xoá bao cấp trong ngân sách, cơ chế chi ngân sách đã hạn chế, tiến tới xoá bỏ các khoản chi bù lỗ, bù giá. Từ cuối năm 1987, đã chuyển cơ chế bù giá theo ngành hàng sang bù giá 4 mặt hàng định lượng bằng tiền cho công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành lương thực và thương nghiệp chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh.

Cuối năm 1988, tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế bù chênh lệch ngoại thương, lấy lãi nhập bù lỗ xuất, đưa hàng hoá vật tư bán theo giá kinh doanh để bù giá xuất khẩu và từ năm 1989, đã xoá bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp về giá trong NSNN. Điều này có tác dụng kiềm chế lạm phát vào cuối năm 1989. Các khoản chi về bù lỗ lương thực, bù chênh lệch ngoại thương, bù lỗ sản xuất, kinh doanh thường chiếm 25-30% tổng số chi NSNN, đến năm 1989, không còn được bố trí trong danh mục chi của ngân sách, trừ một số mặt hàng trợ giá theo chính sách.

Cơ chế quản lý NSNN cũng được đổi mới từng bước. Công tác kế hoạch ngân sách đã được sửa đổi theo hướng giảm bớt chi tiêu pháp lệnh. Kế hoạch chi ngân sách được bố trí theo hướng giảm dần gánh nặng bao cấp của Nhà nước. Trong lĩnh vực chi tiêu dùng xã hội, kinh phí ngân sách được tính toán theo chi tiêu kế hoạch nhà nước và định mức được duyệt, kiên quyết tinh giản biên chế, mở rộng hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm trong các hoạt động sự nghiệp giáo dục, y tế và chính sách xã hội”.

Mặc dù vậy, trong 5 năm 1986 – 1990, thu trong nước chỉ mới đáp ứng dược 52,2% tổng số chi NSNN. Sau khi sử dụng các biện pháp bù đắp bằng nguồn vay nước ngoài và vay dân, vẫn còn phải sử dụng tới 27,2% phát hành tiền để bù đắp cho ngân sách, nhưng vốn ngân sách để bù lỗ, bù giá đã tập trung sử dụng cho ba chương trình kinh tế lớn, có tác dụng, hạn chế những mất cân đối trong nền kinh tế quốc dân, là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, làm đồng tiền mất giá thời kỳ trước đổi mới.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcKiểm soát chặt tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế
Bài tiếp theoChính sách tài khoá là điểm sáng trong phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây