Điểm lại chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 8/2022

0
121

Mức phí cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng, hành nghề kiến trúc sư

Từ ngày 08/8/2022, mức lệ phí đối với việc cấp, cấp lại, điều chỉ Chứng chỉ hoạt động xây dựng, Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 38/2022/TT-BTC Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 24/6/2022.

Theo đó, mức thu lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc quy định như sau:

– Mức thu lệ phí cấp lần đầu, chuyển đổi: 300.000 đồng/chứng chỉ.

– Mức thu lệ phí cấp lại, gia hạn, công nhận chứng chỉ bằng 50% mức thu lệ phí nêu trên.

Trường hợp cấp lại chứng chỉ, giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp ghi sai thông tin thì không thu lệ phí. Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thu bằng Đồng Việt Nam.

Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, nộp lệ phí theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 38/2022/TT-BTC

Quy định mới về phí cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Thông tư số 39/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 121/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Thông tư quy định phí cấp phép kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được quy định phí thẩm định cấp, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 150 triệu đồng; Phí thẩm định cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp là 5 triệu đồng. 

Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là khoản thu thuộc ngân sách trung ương. Thông tư cũng quy định, sau khi thẩm định doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp, cấp lại, điều chỉnh và gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 39/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 08/8/2022 và thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014, Thông tư số 57/2017/TT-BTC ngày 02/6/2017.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 39/2022/TT-BTC

Bổ sung 08 mã số Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Có hiệu lực từ ngày ký, Thông tư số 51/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 11/8/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 quy định hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, bổ sung 08 mã số Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, như sau: Mã 0471 “Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”; Mã 0472 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”; Mã 0473 “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng”;…

Bên cạnh đó, bổ sung 12 mã số Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Mã số 0491 “Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế – xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa”; Mã số 0492 “Phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối các vùng miền”;…

Ngoài ra, Bộ cũng bổ sung 11 mã số Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 51/2022/TT-BTC

Hỗ trợ đơn vị y tế công lập thu không đủ chi do dịch COVID-19

Tại Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 08/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ chi thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19. Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Cụ thể, đối tượng áp dụng cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên là các đơn vị y tế công lập tự chủ tài chính năm 2021 có tổng nguồn thu không đủ bảo đảm chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID-19; các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị y tế công lập thu không đủ chi do tác động của COVID-19.

Mức chênh lệch thu chi thường xuyên năm 2021 được xác định như sau: 

– Các đơn vị được thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19 theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh thì phải tổng hợp số được ngân sách nhà nước thanh toán vào số thu chi của đơn vị. 

– Đối với các khoản chi phục vụ công tác phòng, chống dịch năm 2021 được ngân sách nhà nước thanh toán hoàn trả theo Nghị định số 29/2022/NĐ-CP và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 thì đơn vị tổng hợp riêng, không tính vào số chi.

Mức hỗ trợ bằng số chênh lệch thu nhỏ hơn chi thường xuyên năm 2021, sau khi trừ đi số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư (nếu có) đến hết ngày 31/12/2021. Thời gian thực hiện hỗ trợ chi thường xuyên được thực hiện kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcChứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc khi nào?
Bài tiếp theoĐầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước ở Việt Nam: Từ lý luận đến thực tiễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây