Chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc khi nào?

0
125

Chiều 25/8, HOSE đã ra quyết định hủy niêm yết với cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoáng hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy phải hủy để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Theo Quyết định, cổ phiếu ROS chính thức bị hủy giao dịch từ ngày 5/9.

Trước đó, ngày 18/8/2022, HOSE đã nhận được công văn giải trình Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros về việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức niêm yết. Căn cứ nội dung giải trình, HOSE nhận thấy, ROS có khả năng không công bố thông tin BCTC soát xét 6 tháng năm 2022 đúng hạn (hạn công bố thông tin là ngày 29/8/2022). Đồng thời, đến thời điểm đó, Công ty này cũng chưa công bố thông tin BCTC kiểm toán năm 2021, Báo cáo thường niên 2021, BCTC quý I và quý II/2022. Đồng thời, chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chưa có đủ số lượng thành viên HĐQT tối thiểu, chưa có người đại diện theo pháp luật… Theo HOSE, các vi phạm công bố thông tin và quản trị công ty sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty và quyền lợi của cổ đông, do vậy, việc hủy giao dịch là cần thiết nhằm nhằm bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo chuyên gia chứng khoán, hiện nay việc chứng khoán của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc đã được quy định rõ ràng. Cụ thể, theo khoản 1, Điều 60, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/06/2015), thì chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

– Tổ chức niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán không đáp ứng được các điều kiện niêm yết quy định của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP tại Điểm a, d Khoản 1 Điều 53 hoặc Điểm a, c Khoản 1 Điều 54 đối với cổ phiếu; Điểm a, c Khoản 2 Điều 53 hoặc Điểm a Khoản 2 Điều 54 đối với trái phiếu doanh nghiệp; Điểm a, c Khoản 3 Điều 53 đối với chứng chỉ quỹ trong thời hạn 01 năm.

– Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên.

– Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành.

– Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng.

– Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

– Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại hoặc không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản hoặc do tổ chức phát hành thực hiện chào bán, phát hành từ 50% trở lên số lượng cổ phiếu đang lưu hành để hoán đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp tại doanh nghiệp khác; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động; tổ chức niêm yết không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng;”

– Trái phiếu đến thời gian đáo hạn hoặc trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn.

– Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết.

– Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp.

– Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết hoặc hồ sơ niêm yết chứa đựng những thông tin sai lệch nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.

– Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia chứng khoán, các trường hợp bắt buộc bị hủy niêm yết nêu trên cho thấy việc quy định về vấn đề này rất cụ thể và nghiêm khắc, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với các thành viên thị trường đặc biệt là tổ chức niêm yết. Qua đó giúp thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, ổn định, củng cố được niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBất động sản vùng ven bao giờ qua thời “mua dễ, bán khó”?
Bài tiếp theoĐiểm lại chính sách tài chính có hiệu lực từ tháng 8/2022

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây