Đề xuất quy định xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều

0
170

Bổ sung chức danh có thẩm quyền xử phạt

Bộ NN – PTNT cho biết, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều đã được quy định tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ngày 18/7/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP.

Đây là chế tài góp phần đưa các quy định về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều vào cuộc sống; tạo chuyển biến tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Luật mới ban hành có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Cụ thể, Luật đã sửa đổi, bổ sung mức phạt tối đa đối với lĩnh vực thủy lợi.

Về thẩm quyền xử phạt, luật sửa đổi đã bổ sung nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.

Theo đó, bổ sung chi cục trưởng các chi cục: thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, giao Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tương đương của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đồng thời thay đổi mức phạt tiền của một số chức danh.

Về hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng hình thức này. Đây là những điểm mới cần phải bổ sung trong quá trình xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều để bảo đảm tính thống nhất.

Mặt khác, trong quá trình thi hành Nghị định số 104/2017/NĐ-CP và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP đã bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhưng chưa có chế tài bảo vệ. Cụ thể, bổ sung một số công trình phòng chống thiên tai; bảo đảm yêu cầu về phòng, chống thiên tai; xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai; bảo vệ lòng sông, bãi sông, bãi nổi, cù lao…

Bên cạnh đó, một số hành vi tại Nghị định số 104/2017/NĐ-CP và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP còn hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Cụ thể, một số hành vi vi phạm hành chính chưa xác định rõ ranh giới với tội phạm; một số hành vi quy định còn chung chung, khó áp dụng; một số hành vi quy định chưa chia nhỏ hành vi, mức độ vi phạm dẫn đến việc xử phạt thiếu công bằng.

Từ những lý do trên, theo Bộ NN – PTNT, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập là cần thiết.

Đề xuất nâng mức phạt tối đa đối với vi phạm hành chính về thủy lợi

Bộ NN – PTNT đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều gồm 6 chương, 44 điều. Trong đó, nêu rõ hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; lĩnh vực thủy lợi, lĩnh vực đê điều; thẩm quyền xử phạt, lập biên bản vi phạm hành chính…

Bộ NN – PTNT đã đề xuất quy định mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực: phòng, chống thiên tai 50 triệu đồng; đê điều 100 triệu đồng; thủy lợi 250 triệu đồng (theo quy định hiện hành là 100 triệu đồng) để phù hợp với Khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Dự thảo cũng nêu rõ mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại dự thảo Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trừ các hành vi quy định tại Điều 13 (vi phạm về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc quản lý, vận hành, sử dụng, xây mới hoặc cải tạo công trình theo quy định tại Điều 18a và Điều 19 Luật Phòng, chống thiên tai); Điều 14 (vi phạm về xây dựng và thực hiện phương án ứng phó thiên tai) thì áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcRủi ro tại các quỹ tín dụng nhân dân giai đoạn 2015-2020: Thực trạng và giải pháp
Bài tiếp theoDự báo tăng trưởng ngân hàng năm 2021: Khả quan, nhưng không quá tích cực

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây