“Chiêu” huy động vốn mới của các công ty chứng khoán

0
163

Từ cuối năm 2020, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam luôn được trì ở mức cao khiến dòng tiền cho vay ký quỹ (margin) của nhiều công ty chứng khoán cũng tăng mạnh, thậm chí có đơn vị đã chạm tới giới hạn.

Trong khi đó, thị trường tiếp tục sôi động trong những tháng đầu năm 2021 và được dự báo còn kéo dài, do đó, nhiều công ty chứng khoán muốn tăng nguồn cho vay margin. Để làm được việc này, các đơn vị cũng đã và đang chuẩn bị nhiều phương án để tăng thêm nguồn vốn cho vay.

Tận dụng nguồn truyền thống

Lâu nay, các công ty chứng khoán thường bổ sung vốn cho hoạt động bằng cách tăng vốn chủ sở hữu, qua đó nâng giới hạn margin được phép cho vay. Vốn chủ sở hữu có thể tăng dựa trên lợi nhuận tích lũy từ kinh doanh, hoặc chào bán cổ phiếu mới để tăng vốn.

Tuy nhiên, lợi nhuận tích lũy không thể tăng nhanh bởi phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh định kỳ, do đó, nhiều công ty chứng khoán có xu hướng chào bán tăng vốn điều lệ.

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của Công ty chứng khoán VNDirect (mã: VND), doanh nghiệp muốn phát hành thêm tối đa hơn 220 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền mua 1:1.

Tương tự, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã: HCM) cũng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành hơn 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu để huy động 2.135 tỷ đồng, trong đó, công ty dự kiến sẽ phân bổ cho hoạt động giao dịch ký quỹ 1.495 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Đà Nẵng (mã: DSC) cũng mới lên phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, vốn điều lệ tăng từ 60 tỷ lên 1.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng phát hành là 94 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ gần 1.567%.

Tại Công ty Chứng khoán SSI (mã: SSI), công ty chuẩn bị phát hành thêm gần 47 triệu cổ phần để thực hiện chuyển đổi 1.150 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu theo yêu cầu của trái chủ. Giá chuyển đổi là 24.541 đồng/cp (đã được điều chỉnh theo điều khoản chống pha loãng). Ước tính sau khi thực hiện thành công vốn điều lệ của SSI tăng lên gần 6.500 tỷ đồng.

Còn nhớ, hồi cuối năm 2020, Công ty chứng khoán SSI đã gây bất ngờ khi thông báo về hợp đồng vay vốn tín chấp trị giá 85 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng với nhóm 9 ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan (UBOT).

Tương tự, hồi tháng 5/2020, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng chủ động bổ sung thêm nguồn vốn khi thông báo nhận được khoản vay tín chấp 40 triệu USD.

Cái khó “ló” cái khôn

Thị trường chứng khoán đang chứng kiến sự bùng nổ của lớp nhà đầu tư F0 khi trong năm 2020 đã có gần 394.000 tài khoản chứng khoán được mở mới, tăng gấp đôi so với năm trước.

Diễn biến này tiếp tục được kéo dài trong những tháng đầu năm 2021 khi chỉ trong tháng 1 và tháng 2, thị trường tiếp tục đón nhận hơn 91.700 tài khoản chứng khoán được mở mới, ghi nhận số lượng tài khoản mới mới lớn nhất theo tháng từ trước đến nay.

Sự gia nhập của lớp nhà đầu tư mới cũng kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ ký quỹ (margin) trên thị trường tăng mạnh. Tính tới cuối năm 2020, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào khoảng 90.000 tỷ đồng (trong đó phần lớn là cho vay margin) và đây cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay, tăng thêm khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2019 khiến nhiều công ty rơi vào trạng thái “căng cứng” nguồn cho vay.

Như đã nói ở trên, để phục vụ cho nhu cầu margin ngày càng tăng cao, các công ty chứng khoán đã rất chủ động trong việc bổ sung nguồn vốn bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, trước sự thăng hoa của thị trường, chắc chắn lượng nhà đầu tư mới sẽ còn gia tăng hơn nữa, nhóm doanh nghiệp phục vụ thị trường này không thể đi vay hoặc phát hành liên tiếp.

Do vậy, hình thức “hợp tác đầu tư” đang được một số doanh nghiệp như Công ty chứng khoán MB (MBS), VNDirect, Công ty quản lý tài sản Trí Việt… áp dụng.

Với hình thức này, trong khi chưa có nhu cầu phát sinh giao dịch, nhà đầu tư có thể “hợp tác” với công ty chứng khoán để sinh lời mà không cần chuyển tiền ra bên ngoài với mức lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng thường từ 7-8,5%/năm, thậm chí đối với khách hàng “VIP” mức lãi suất có thể lên tới 10%/năm, đây là con số hấp dẫn hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Khi nào có nhu cầu giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch mà không cần thao tác chuyển tiền từ ngân hàng vào.

Không chỉ có lãi suất cao, các công ty chứng khoán cũng đưa ra nhiều kỳ hạn cho nhà đầu tư dễ dàng tham gia, thậm chí cả kỳ hạn 1 tuần cũng có mức lãi suất tương đối hấp dẫn (từ 2-3%/năm). Trong khi đó, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất dưới 0,3%/năm cho kỳ hạn ngắn ngày này.

Với hình thức này, việc huy động tiền đối với các công ty chứng khoán trở nên nhanh chóng, thuận tiện, lãi suất thấp hơn nhiều so với việc đi vay, qua đó giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận. Tuy nhiên, hình thức này cũng có rủi ro tranh chấp nếu như công ty chứng khoán không đủ năng lực để trả lãi cho nhà đầu tư.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNgành BHXH Việt Nam sẵn sàng cấp thẻ bảo hiểm y tế mẫu mới từ ngày 1/4/2021
Bài tiếp theoPhát triển tín dụng cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây