3 xung lực kéo thị trường bất động sản Hà Nội tăng trưởng những tháng cuối năm 2021

0
164

Thông tin trên được Savills Việt Nam đưa ra tại Báo cáo Động lực tăng trưởng của bất động sản Hà Nội giai đoạn cuối năm 2021 vừa được phát hành.

Theo đó, tại báo cáo trên, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định, thị trường Thủ đô đang có các điểm nóng đầu tư ở vùng ven với cơ sở hạ tầng phát triển, một số dự án lớn và các chủ đầu tư uy tín. Đặc biệt, đang có các chủ đầu tư thậm chí đã tìm cơ hội phát triển để bắt nhịp tăng trưởng trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới của thị trường bất động sản.

Cùng với đó, bà Hằng cũng đưa ra nhận định, 3 động lực sẽ giúp bất động sản Hà Nội đạt được tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2021, gồm:

Thế mạnh đến từ cơ sở hạ tầng

Bất động sản vùng ven trên toàn cầu đang cho thấy nguồn cầu mạnh mẽ. Đây là phản ứng trực tiếp đối với sự bùng phát của Covid, tạo ra xu hướng rời xa các thành phố với mật độ dân cư cao cũng như tính thuận tiện của xu thế làm việc ở nhà mang lại. 

Một điểm đáng lưu ý là thị trường Hà Nội đang ghi nhận xu hướng mở rộng sang vùng ven, song việc dịch chuyển ra vùng ven tại thị trường Hà Nội không bị tác động nhiều bởi Covid mà là do các yếu tố về giá cả và hạ tầng.

Cụ thể, yếu tố về cơ sở hạ tầng đồng thời thúc đẩy giá trị khu vực phía Tây Thủ đô, bao gồm: đại lộ Thăng Long, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, cùng các dự án đang được triển khai như tuyến metro số 2A, số 3, đường vành đai 3.5 và các tuyến đường mở rộng về phía Tây kết nối với các quận trung tâm… 

Theo bà Hằng, trước đây khi nói về việc hướng ra ngoài trung tâm thì điều kiện sống là yếu tố được quan tâm rất nhiều. Tuy nhiên, khu vực này đã ghi nhận sự cải thiện về cơ sở hạ tầng và xuất hiện khá nhiều các tiện ích lớn như trung tâm thương mại hay các tòa nhà văn phòng.

Đi kèm với đó là việc các đại đô thị đã và đang hình thành tại các khu vực phía Đông và phía Tây như Gia Lâm, Đại Mỗ, Từ Liêm, thậm chí là các khu vực tiếp giáp các tỉnh Hưng Yên hay Bắc Ninh. Do đó, câu chuyện về điều kiện sống tại khu vực vùng ven thực ra không còn là vấn đề quá lớn.

Chất lượng dự án căn hộ được cải thiện

Quý 2/2021, được nhận định là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội tăng. Lý do cụ thể của việc tăng giá này phải kể đến việc cơ sở hạ tầng được phát triển và quan trọng hơn là chất lượng dự án được cải thiện. 

Theo bà Hằng, cho dù dưới tác động của Covid-19, một số dự án với chất lượng tốt, vị trí phù hợp và tích hợp đầy đủ tiện ích vẫn ghi nhận mức hấp thụ tốt và thậm chí có những điều chỉnh tăng giá cho giai đoạn bán kế tiếp.

Do vậy việc tăng giá trong thời gian vừa qua phần lớn là do giá sơ cấp của một số dự án mới được đưa ra cao hơn mặt bằng chung, khiến bình quân giá của thị trường tăng lên, thiết lập một mặt bằng giá mới.

Dự đoán về khả năng tăng giá của phân khúc căn hộ, bà Hằng cho biết, xét về vấn đề nguồn cung, vấn đề ra mắt dự án mới có thể sẽ được các chủ đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng trước những thách thức về dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. 

Theo số liệu ghi nhận của Savills, tuy rằng tổng nguồn cung hiện nay vẫn thấp hơn so với năm 2019 nhưng hiện thị trường vẫn có những dự án đã được chuẩn bị từ rất lâu trước đó, do đó nguồn cung căn hộ tại Hà Nội trên thực tế là không khan hiếm. 

“Các dự án với chất lượng cao sẽ có giá chào bán cao hơn, tuy nhiên không phải tất cả các dự án đều sẽ tăng giá. Có thể nói, bất động sản vẫn sẽ là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới”, bà Hằng nhận định.

Các hoạt động chuẩn bị đầu tư vẫn diễn ra rất sôi nổi

Theo ghi nhận của Savills, biệt thự và nhà liền kề là một trong những điểm sáng của thị trường trong điều kiện Covid hiện nay. 

Theo bà Hằng, đối với thị trường Hà Nội, nguồn cung biệt thự và nhà liền kề không thiếu, thậm chí là ghi nhận mức tăng lớn, nhờ những vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong thời gian qua. 

Trong thời gian tới, dự kiến khoảng 2.100 căn nhà ở thấp tầng sẽ được mở bán. Đối với riêng thị trường biệt thự và nhà liền kề, có thể nhận thấy, thị trường Hà Nội vẫn có sức hấp dẫn trong 6 tháng cuối năm.

Cũng theo bà Hằng, tuy đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các hoạt động chuẩn bị đầu tư vẫn diễn ra hết sức sôi nổi từ các chủ đầu tư, các quỹ đầu tư lớn. Đặc biệt là các hoạt động này không chỉ tập trung tại thị trường các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh mà còn phát triển ra các thành phố lân cận. 

“Đây là động thái đầu tư dài hạn của các chủ đầu tư bất động sản tại những vị trí có dư địa phát triển tốt. Nhiều khu vực xung quanh Hà Nội đang sở hữu những điều kiện nhất định khiến cho quỹ đất cũng như chi phí đất có thể tăng cao. Do vậy, hiện nay nhiều chủ đầu tư cũng đã tìm và phát triển theo nhịp 5 năm, thậm chí là 10 năm, tuỳ từng điều kiện của thị trường. Đây chính là các động lực để giữ đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản Hà Nội những tháng cuối năm”, bà Hằng nhấn mạnh. 

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcLập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công
Bài tiếp theoMức chi và quyết toán kinh phí ngân sách phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây