Nhiều xu hướng đầu tư mới xuất hiện
Theo các chuyên gia bất động sản, sau thời kỳ kinh tế khó khăn sẽ xuất hiện các lĩnh vực mới khác nhau, phụ thuộc vào những thách thức cũng như thuận lợi của từng ngành và từng thời điểm. Cụ thể như, đối với lĩnh vực bất động sản, sau ba cuộc suy thoái gần nhất, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ trong vốn đầu tư toàn cầu vào các bất động sản cốt lõi như toà nhà văn phòng khu vực trung tâm và nhà ở cho nhiều hộ gia đình.
“Đây được coi là những lĩnh vực luôn có rủi ro đầu tư thấp hơn trong thời điểm bất ổn. Ngoài ra, dòng tiền cũng có xu hướng ra khỏi các lĩnh vực khác, với rủi ro về dư thừa nguồn cung, đặc biệt là phân khúc thường dễ bị tác động như bất động sản bán lẻ” – ông Troy Griffths- Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định và cho biết, đại dịch và cuộc khủng hoảng lần này đã thúc đẩy sự bùng nổ của một số xu hướng sẵn có trước đó, đơn cử như chuyển hướng đầu tư từ bán lẻ tại cửa hàng truyền thống sang các dịch vụ hậu cần hay việc phát triển không gian làm việc tập trung vào sức khoẻ tinh thần và thể chất người lao động.
Điều này đã thúc đẩy một số lĩnh vực của thị trường bất động sản trở thành phân khúc đầu tư sinh lời cốt lõi và ít rủi ro, với số lượng lớn đầu tư bất động sản năm 2021 tập trung vào các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, khoa học đời sống, dân cư.
Còn theo ông Andy Allen, Trưởng bộ phận chiến lược và phát triển tại Savills Anh Quốc, thông thường, các nhà đầu tư khá chậm trong việc nhận ra các xu hướng hậu suy thoái và trở nên thận trọng trước các tín hiệu phục hồi. Nhà đầu tư an toàn sẽ tiếp tục hướng đến các loại hình bất động sản sinh lời ít rủi ro, trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ có chiến lược phân bổ vào các phân khúc như nhà ở, khách sạn, nhà ở sinh viên và bất động sản công nghiệp.
“Kịch bản phát triển tiếp theo sẽ khá dễ đoán”, ông Andy Allen bình luận và cho rằng khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư tập trung đầu tư các bất động sản ít rủi ro thì giá sẽ bắt đầu tăng và lợi nhuận đồng thời giảm xuống. Nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra rằng các tài sản cốt lõi ít rủi ro khi đầu tư sẽ có hiệu suất sinh lời thấp và khi các nền kinh tế phục hồi, sức hấp dẫn của các tài sản có lợi nhuận cao hơn sẽ tạo ra rủi ro đối với các loại tài sản này.
Cần chiến lược đầu tư dài hạn
Cho rằng cuộc suy thoái lần này sẽ khác biệt so với trước đây, theo các chuyên gia, về lý thuyết, bất động sản được xem là tài sản đảm bảo gia tăng giá trị đầu tư hơn là các loại tài sản khác. Thế nhưng, hiện khoảng cách giữa thu nhập và nợ cần trả đang là thách thức lớn đối với các nhà đầu tư.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư sẽ cần một chiến lược đầu tư rõ ràng cho bất động sản và các loại tài sản khác thay vì đi theo một làn sóng phục hồi chung. Mỗi cách đầu tư cụ thể sẽ trở nên quan trọng hơn nhiều.
Nếu ở giai đoạn trước, nhiều người có xu hướng tham gia đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông với mục đích là “lướt sóng” để kiếm lời, thì ở thời điểm hiện tại, sự thận trọng mới là yếu tố được đề cao số một khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Mai Đức Toàn, Giám đốc khối Kinh doanh và Tiếp thị Tập đoàn CNT Group, ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư không ngần ngại “găm tiền” vào bất động sản. Tuy vậy, giữa lúc thị trường đang gặp khó khăn, nhà đầu tư nên chuẩn bị nguồn vốn hướng tới đầu tư trung, dài hạn.
Cũng theo ông Toàn, dưới tác động của hậu suy thoái nói chung, đây là thời điểm để các nhà đầu tư bất động sản đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp danh mục đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trước những thông tin quy hoạch, không đổ xô đi mua khi chưa rõ thông tin. Đây là bài học cần thiết để thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, bền vững. Đầu tư trung và dài hạn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group, Covid-19 chính là phép thử về tiềm lực của doanh nghiệp trước những biến động của nền kinh tế thị trường. Hơn 1 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề trên mọi mặt của đời sống. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, đại dịch khiến cho nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu vận hành, cân nhắc tung ra thị trường sản phẩm mới, bởi sức mua giảm, nhiều hệ lụy của dịch bệnh làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.
“Covid-19 đã khiến cho người mua nhìn nhận lại những vấn đề mà trước đó họ chưa coi trọng như không gian sống, vị trí căn hộ, tiện ích nội khu… liệu đã thực sự phù hợp? Đồng thời, đây cũng chính là những tác động để doanh nghiệp nghiên cứu, nhìn nhận lại những xu hướng, tư duy chọn lựa sản phẩm đầu tư của khách hàng”, ông Quyền nói.
Nhận định về thị trường Việt Nam, ông Troy Griffths cho rằng, đối với các thị trường mới nổi như Việt Nam, sẽ có nhiều đòn bẩy cho các hoạt động kinh tế bởi cung và cầu tại đây vẫn chưa giữ được ở mức ổn định nhất định.
“Với lợi thế về dân số trẻ, tốc độ đô thị hoá nhanh, tăng trưởng thu nhập, ổn định chính trị và sự phát triển cơ cấu của các loại tài sản, Việt Nam đang hưởng lợi từ chu kỳ đầu tư lần này, đặc biệt trong các phân khúc bất động sản chăm sóc sức khoẻ, khoa học đời sống, dân cư và thậm chí cả giáo dục”, ông nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, các hoạt động của thị trường bất động sản thường yên tĩnh nhất trong thời kỳ hậu suy thoái và sau đó sẽ bùng phát trở lại mạnh mẽ hơn, khi được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu dành cho các không gian có chất lượng tốt hơn cũng như các nhu cầu tái sử dụng các loại tài sản thừa cung trong thời kỳ suy thoái.