Xây dựng kịch bản thu thuế chi tiết theo từng tháng, từng khu vực, từng sắc thuế

0
141

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, tính chung lũy kế 5 tháng 2022, tổng thu do ngành Thuế quản lý đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng số thu nội địa đạt 643.439 tỷ đồng, bằng 56,1% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Số thu ngân sách trung ương lũy kế 5 tháng đạt 57,9% dự toán, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương đạt 56,8% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Tổng cục Thuế nhận định rõ, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong 5 tháng đầu năm của Ngành đã gặp nhiều thuận lợi từ tình hình kinh tế những tháng đầu năm của cả nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt và rõ nét đến hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước. Điều này có thể nhận thấy rõ từ các số chỉ tiêu thống kê cụ thể như: Tổng mức bán lẻ tháng 5 tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tăng 8,3% so với cùng kỳ; Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN ước đạt 147,8 nghìn tỷ, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%… 

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã có dự báo về khó khăn mà nền kinh tế nói chung và ngành Thuế nói riêng sẽ gặp phải. Trong đó, tình hình dịch bệnh vẫn có những dấu hiện bất thường, xung đột Nga – Ukraina vẫn diễn biến căng thẳng… Trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Điều này có thể nhận thấy rõ ở một số ngành như sản xuất ô tô đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Đồng thời, ngành Du lịch đang dần phục hồi nhưng phải đối mặt với khó khăn về nguồn nhân lực đang bị thiếu hụt, số thu ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách tháng 6 cũng như cả năm 2022, Tổng cục Thuế đã yêu cầu, các vụ đơn vị chức năng khẩn trương phối hợp với các địa phương để rà soát, nắm bắt nguồn thu; phân tích, đánh giá kỹ tác động của các gói chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ đến công tác thu ngân sách để xây dựng kịch bản thu chi tiết theo từng tháng đến từng khu vực, khoản thu, sắc thuế và tham mưu cho Tổng cục Thuế phương án điều hành thu NSNN phù hợp.

Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị cần khẩn đẩy nhanh thực hiện công tác thanh, kiểm tra nhất là đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để từ đó tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, dễ quản lý cho cơ quan thuế và dễ thực hiện cho người nộp thuế và tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới người nộp thuế để người nộp thuế biết, hiểu và thực hiện đúng các quy định về thuế.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcMục tiêu, nhiệm vụ chiến lược tài chính đến năm 2030
Bài tiếp theoTrình phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây