Vốn đắt đỏ, ngân hàng tìm mọi cách để bảo toàn lợi nhuận

0
117

Trong 8 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng thương mại nhà nước đã tăng lãi suất từ 0,1-0,3 điểm phần trăm, chủ yếu ở giữa năm; các ngân hàng tư nhân lớn cũng điều chỉnh lãi suất niêm yết lên trung bình 0,72 điểm phần trăm. Trái với diễn biến lãi suất huy động, lãi suất cho vay về cơ bản tăng chậm hơn, từ đó sẽ tác động đến lợi nhuận năm của ngân hàng.

Tăng cho vay mảng dịch vụ

Khi nhìn vào báo cáo tài chính của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn lợi nhuận có được chủ yếu tập trung tại mảng tín dụng với động lực là biên lãi ròng (NIM) duy trì ở mức cao.

Theo thống kê của FiinGroup, NIM của các ngân hàng thương mại đã tăng 13,9 điểm cơ bản lên mức 3,72% do các ngân hàng có xu hướng chuyển dịch tài sản sinh lời ngắn hạn sang tài sản sinh lời dài hạn có mức lợi suất cao hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo việc tăng lãi suất huy động sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh đó, các nhà băng vẫn phải cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Điều này khiến NIM của các ngân hàng có nguy cơ sút giảm, ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trước áp lực NIM giảm, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng các ngân hàng thương mại sẽ tìm nhiều cách để lách, vì ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước không cho tăng lãi suất cho vay thì ngân hàng thương mại tăng các loại phí; hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng thêm các dịch vụ nếu muốn được giải ngân khoản vay, từ đó thu thêm phí dịch vụ.

Theo dõi thị trường có thể thấy, để đối phó với nguy cơ sụt giảm NIM, các ngân hàng đang dịch chuyển mạnh danh mục cho vay, tăng thu từ mảng dịch vụ, đẩy nhanh chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn… Thực tế, xu hướng này bắt đầu diễn ra trong quý II/2022 khi các ngân hàng lường trước room tín dụng năm nay sẽ không được nới và chi phí vốn không còn rẻ.

Chẳng hạn, tại Techcombank, thu nhập từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.400 tỷ đồng, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ cốt lõi, trong đó thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 844,4 tỷ đồng, tăng 45,3%. Đáng chú ý, thu phí từ dịch vụ bảo hiểm đạt 617,1 tỷ đồng, tăng 31,5%.

Tương tự, lãi dịch vụ quý II/2021 của HDBank tăng gấp 2,3 lần. Hay như Vietcombank cũng ghi nhận thu ngoài lãi tăng 60%, nhờ tăng thu dịch vụ, như doanh số bán chéo bảo hiểm trong nửa đầu năm đạt khoảng 500 tỷ đồng…

Lợi nhuận phân hoá

Bên cạnh đẩy mạnh mảng bán lẻ, các ngân hàng chuyển dịch sang cho vay dài hạn với mức lãi suất cao hơn. Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính của FiinGroup cho biết, từ quý II/2022, các ngân hàng có xu hướng chuyển dịch tài sản sinh lời ngắn hạn sang tài sản sinh lời dài hạn có mức lợi suất cao hơn.

Tỷ trọng cho vay dài hạn của các ngân hàng tăng 68% trong khi tỷ trọng cho vay ngắn hạn và trung hạn lần lượt giảm 36,3% và 31,8% so với quý trước, cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng đã tập trung nhiều hơn vào các kỳ hạn dài, đẩy lãi suất cho vay bình quân tăng thêm 0,4%.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có sự phân hoá. Trong báo cáo mới phát hành, công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, các ngân hàng có tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động) thấp như HDB, MSB, VIB, VPB, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp như ACB, HDB, MSB, VPB sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn.

Đặc biệt, các ngân hàng có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao như TCB, MBB, và VCB sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.

Với các nỗ lực dịch chuyển danh mục cho vay và đa dạng hóa doanh thu, nửa cuối năm nay, có thể một số ngân hàng vẫn duy trì được NIM. Tuy nhiên, nhiều khả năng, nhiều ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Theo thống kê của FiinGroup, năm 2022, có tới 26/27 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên 33%. Tuy vậy, khả năng nhiều ngân hàng sẽ khó đạt mục tiêu này. Thực tế, nửa đầu năm nay, dù tín dụng tăng khá mạnh, nhưng tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm của bình quân toàn ngành mới đạt 51,5%.

Với room tín dụng gần 4% còn lại nửa cuối năm, việc hoàn thành gần 49% kế hoạch lợi nhuận còn lại với nhiều ngân hàng là không dễ. Với các ngân hàng nhỏ, áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm lại càng khó khi không được Ngân hàng Nhà nước nới room đợt vừa qua, trong khi chi phí vốn ngày càng đắt đỏ.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcĐóng góp xây dựng chính sách thuế để “mở đường cho tương lai”
Bài tiếp theoBất động sản nghỉ dưỡng sớm quay lại quỹ đạo tăng trưởng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây