Tham dự hội nghị, về phía các đại biểu Trung ương có ông Lê Tiến Châu – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; ông Trần Văn Sơn – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ông Hà Thị Nga – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Thành Phong – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Đoàn Minh Huấn – Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đại diện các hiệp hội, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong khu vực.
Về phía tỉnh Hậu Giang có ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh uỷ; ông Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng các đại diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Về phía Vietcombank có ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành; ông Nguyễn Mạnh Hùng – Thành viên HĐQT, ông Lê Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Việt Cường – Phó Tổng Giám đốc cùng đại diện lãnh đạo một số phòng/ban Trụ sở chính, chi nhánh tại Hà Nội, trên địa bàn tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang. Vietcombank đồng thời cũng là ngân hàng đồng hành cùng UBND tỉnh Hậu Hậu Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hậu Giang năm 2022.
Tại Hội nghị, tỉnh Hậu Giang giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; cơ hội đầu tư; những định hướng cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới. Theo đó, Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu với phần còn lại của Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước.
Tỉnh Hậu Giang quan tâm mời gọi, thu hút đầu tư vào các ngành nghề, dự án có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp lớn cho ngân sách, có tác động lan tỏa, sử dụng ít diện tích, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực chính như công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, logistics.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu, nhất là đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước phát biểu tham luận, làm rõ tiềm năng thế mạnh, thể hiện sự ủng hộ đối với sự phát triển của tỉnh Hậu Giang, đề xuất các cơ chế, chính sách và bày tỏ mong muốn đầu tư vào tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hậu Giang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi và có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là ngành nông nghiệp, logistics, năng lượng và du lịch…
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chính phủ có chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và đã có quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đã dành nguồn lực tập trung phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Do đó, Thủ tướng mong muốn Hậu Giang phải tranh thủ các chủ trương, chính sách này; biến tiềm lực thành nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, phát huy tinh thần nội lực đi lên.
Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp nên đầu tư vào Hậu Giang như: phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm; đồng thời phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin…
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tâm, tài, trí, tín; chân thành, trách nhiệm”; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực. Các nhà đầu tư cần đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa; đồng hành với chính quyền trên tinh thần cùng phát triển.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án đầu tư vào tỉnh Hậu Giang với tổng số vốn 19 ngàn tỷ đồng; thực hiện lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với 10 nhà đầu tư.
Tại Hội nghị, Vietcombank và UBND tỉnh Hậu Giang đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác. Theo đó, Vietcombank cam kết áp dụng chính sách lãi suất ưu đãi cho vay đối với các doanh nghiệp, dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn trước mắt với quy mô 10 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra trong thỏa thuận còn quy định hợp tác tăng cường xúc tiến đầu tư và mở rộng bao phủ dịch vụ tài chính – ngân hàng và chuyển đổi số giữa Vietcombank và UBND tỉnh Hậu Giang.
Cũng tại Hội nghị, Vietcombank đã trao tặng 10 tỷ đồng tài trợ xây dựng 02 trường học trên địa bàn tỉnh (08 tỷ đồng) và ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh (02 tỷ đồng).
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang năm 2022, Vietcombank đã tổ chức khai trương trụ sở chi nhánh Hậu Giang – chi nhánh thứ 121 trong hệ thống Vietcombank.