Xu hướng tất yếu
Hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới mọi mặt đời sống. Thêm nữa, trong 2 năm vừa qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng khiến nhu cầu, hành vi tiêu dùng của người dân có xu hướng thay đổi từ giao dịch trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số.
Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng (KH) là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép KH thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của KH được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ ban hành Nghị định TTKDTM, xây dựng sửa đổi bổ sung các thông tư, hướng dẫn Nghị định, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC, ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán, QR Code, thẻ chip, an ninh, an toàn…
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán bao gồm hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ trong nhiều năm qua, hoat động an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19.
Gia tăng trải nghiệm cho khách hàng trên không gian số
Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, thời gian qua, Vietcombank đã có sự chuyển dịch trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ, làm cầu nối thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, qua đó góp phần thúc đẩy TTKDTM.
Trước xu hướng số hóa mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành ngân hàng số đứng đầu, Vietcombank đã chủ động xây dựng Đề án chuyển đổi ngân hàng số cùng các chương trình hành động chuyển đổi số thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Với sự nỗ lực không ngừng, Vietcombank phát triển nhiều dự án về hạ tầng công nghệ, các giải pháp thanh toán mới, tạo nền tảng cho sự phát triển mở rộng TTKDTM. Hiện nay, số lượng khách hàng có tài khoản tại Vietcombank đạt trên 21 triệu, trong đó trên 50% KH thường xuyên giao dịch TTKDTM. Quy mô giao dịch qua các kênh số của Vietcombank đạt gần 9 triệu khách hàng, tăng hơn 5 triệu KH trong 3 năm từ 2019 đến nay và mục tiêu đạt trên 10 triệu KH đến hết năm 2022, đặc biệt, trên 85% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Ba năm qua, Vietcombank đã tập trung nguồn lực cao nhất phát triển hoàn thiện hệ thống các nền tảng công nghệ số hiện đại, tiện ích, hướng đến tối ưu trải nghiệm cho KH. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank cung ứng dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank – ứng dụng ngân hàng di động cho phép người dùng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi, dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính đa dạng như Chuyển tiền nhanh 24/7, gửi tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn, thanh toán QR Pay, mua sắm trực tuyến, mở tài khoản thanh toán online…
Không chỉ đặt mục tiêu nâng cao trải nghiệm của KH cá nhân, Vietcombank còn chú trọng vào phân khúc KH doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), Vietcombank đã nghiên cứu và phát triển dịch vụ VCB DigiBiz – Ngân hàng số dành cho doanh nghiệp SME, giúp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch ngân hàng thuận tiện, nhanh chóng, mang đến những trải nghiệm đơn giản cho doanh nghiệp SMEs trên nền tảng công nghệ 4.0.
Đối với khách hàng doanh nghiệp lớn và tổ chức, Vietcombank đã phát triển VCB CashUp – Hệ thống thanh toán và quản lý dòng tiền hiện đại, toàn diện hàng đầu tại Việt Nam. VCB CashUp được thiết lập với giao diện thông minh trên tất cả các thiết bị công nghệ, đem lại trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng; đồng thời, đáp ứng nhu cầu quản lý đa tầng, đa phương, phục vụ tổng thể cho cả hệ sinh thái của doanh nghiệp.
Vietcombank cũng đi đầu triển khai Dịch vụ tài trợ thương mại trực tuyến qua chương trình VCBCC, đảm bảo chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế nhằm hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tài trợ thương mại.
Bên cạnh đó, ngân hàng đưa ra các chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng thanh toán như: áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ đối với toàn bộ các dịch vụ về tài khoản và thẻ như phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống Vietcombank, phí phát hành thẻ, phí rút tiền tại ATM… cho cả đối tượng khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Đặc biệt, từ 1/1/2022, Vietcombank chính thức triển khai chính sách Zero Fee – miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank. Các khách hàng doanh nghiệp SME cũng đang được ưu đãi miễn toàn bộ phí giao dịch trên ngân hàng số VCB DigiBiz khi đăng ký Gói giao dịch SME.
Với dịch vụ ngân hàng số uy tín, chất lượng và kinh nghiệm triển khai dày dặn, từ năm 2020, Vietcombank tự hào là ngân hàng tiên phong được Chính phủ lựa chọn cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Không chỉ dừng lại ở đó, Vietcombank đang tiếp tục ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thanh toán dịch vụ công, như cho phép khách hàng sử dụng VCB Digibank, QR Code, thanh toán không tiếp xúc… nhằm đẩy mạnh triển khai thanh toán dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên phối hợp với Tổng cục thuế triển khai thành công dịch vụ Thuế điện tử (eTax) trên nền tảng số, qua đó triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đây là tiền đề giúp mở rộng và phát triển dịch vụ thu ngân sách Nhà nước trên các nền tảng online đến các khách hàng.
Mới đây nhất, Vietcombank, phối hợp với Bộ Công an, đã cung cấp dịch vụ ứng dụng giải pháp M.o.C trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho phép người dân sử dụng CCCD để định danh và thực hiện giao dịch qua tài khoản và thẻ tại ngân hàng. Khi có nhu cầu đăng ký dịch vụ hoặc thay đổi thông tin tại ngân hàng, khách hàng chỉ cần cầm theo CCCD mới.
Nhân viên ngân hàng sẽ dùng ứng dụng Mega App trên điện thoại để quét CCCD và chụp ảnh chân dung khách hàng, toàn bộ thông tin sẽ được cập nhật ngay lập tức vào cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Các bước này chỉ diễn ra trong vài chục giây. Trong tương lai gần, chỉ với chiếc thẻ CCCD gắn chip, khách hàng có thể rút tiền mặt tại ATM thế hệ mới Vietcombank đang triển khai mà không cần phải mang theo thẻ ngân hàng.
Với những những nỗ lực không ngừng trong hành trình số hóa, Vietcombank đã gặt hái được những thành công, từng bước hiện thực hóa kế hoạch trở thành ngân hàng số hàng đầu vào năm 2025, thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam.