Đối với các nhà băng, việc thu hút được tỷ lệ cao tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đóng vai trò quan trọng, vì nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ.
Theo đó, với cùng một lượng tiền gửi huy động được, ngân hàng nào càng có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao thì chi phí vốn của ngân hàng đó càng thấp, từ đó giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
Mặt khác, tỷ lệ này cũng được xem là một điển hình cho xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và đổi thay phương thức thanh toán trong nền kinh tế; qua đó phản ánh sức mạnh hội thụ khách hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ.
Đó cũng là lý do vì sao trong những năm gần đây, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chứng kiến cuộc đua tăng CASA ngày càng quyết liệt khi các thành viên liên tục đưa ra các chính sách miễn các loại phí giao dịch, đồng thời, đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm và chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng nhằm thu hút được tệp khách hàng lớn.
Cuộc đua của 3 “ông lớn”
Với nền tảng vững chắc được thiết lập, trong vài năm qua, thị trường chứng kiến cuộc đua quyết liệt dành vị trí quán quân về CASA của bộ ba Techcombank, MB và Vietcombank.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đã tăng 55,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 133,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 56,9% và 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về việc thu hút được lượng tiền không kỳ hạn lớn, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank cho biết, do ngân hàng mạnh về hệ sinh thái, các khách hàng chuyển tiền lẫn nhau trong ngân hàng giúp cho tiền thực chất không đi ra khỏi ngân hàng.
Ngoài ra, việc thu hút lượng khách hàng mới, thúc đẩy giao dịch điện tử với chính sách “zero fee” cũng là nguyên nhân giúp CASA của ngân hàng đạt mức cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm gần nửa triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng mà Ngân hàng phục vụ lên 8,9 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 296,9 triệu giao dịch (tăng 94,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và gần 4,3 triệu tỷ đồng (tăng 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó, tỷ lệ CASA của Techcombank hiện vẫn đang duy trì ở mức cao kỷ lục 46,1%.
Trong khi đó, tại MB, lượng tiền gửi không kỳ hạn cũng tăng 7,4% trong 6 tháng đầu năm nay giúp tỷ lệ CASA đạt mức 39,8%. Xu hướng tăng của CASA là kết quả của việc tăng gấp đôi giá trị giao dịch liên quan đến các sáng kiến ngân hàng kỹ thuật số khác nhau của MBB.
Ngân hàng đã thành lập thị trường chuyển nhượng tiền gửi cũng như tạo ra một số tiện ích mới trong ứng dụng MBB App. Bên cạnh đó, ý tưởng cho phép khách hàng mở tài khoản ngân hàng với số tài khoản trùng với số điện thoại của khách hàng đã được đón nhận tích cực, giúp MBB mở rộng tệp khách hàng của mình.
Được biết, chỉ tính riêng trong quý 1/2021, khách hàng cá nhân mới thông qua ứng dụng MBB là 1 triệu khách, tương đương với khoảng 60% khách hàng mới trong cả năm 2020.
Với Vietcombank, lợi thế lớn nhờ nguồn tiền gửi khổng lồ của các tập đoàn lớn, nắm trong tay hệ thống chi trả lương, thanh toán lương cho cán bộ, công chức trong nước tiếp tục giúp tỷ lệ CASA của ngân hàng ở mức cao 33,2%, tăng nhẹ 0,43 điểm % so với cuối năm trước.
Có tác động khách quan và chủ động
Như trên, một tỷ lệ CASA cao tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngân hàng. Tuy nhiên, số liệu 6 tháng đầu năm nay cho thấy, nhiều thành viên đang bị “hụt hơi” trong cuộc đua khi không thể gia tăng được nguồn vốn giá rẻ này.
Cụ thể, khảo sát của BizLIVE tại 24 ngân hàng đã công bố BCTC quý 2/2021 cho thấy, có tới 14 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm trong kỳ qua.
PGBank là một ví dụ. Mặc dù lượng tiền gửi khách hàng không có nhiều biến động trong kỳ qua nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn lại sụt tới 45%, xuống còn gần 3,3 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ CASA của PGBank theo đó giảm mạnh từ 21% hồi đầu năm xuống còn 11,5% vào cuối tháng 6/2021.
Tương tự, lượng tiền gửi không kỳ hạn tại LienVietPostBank đã giảm 22% trong năm qua, khiến CASA giảm xuống chỉ còn 10,7%, so với mức 14,6% hồi đầu năm.
Một số thành viên khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi này giảm mạnh bao gồm Eximbank giảm 2,29 điểm %, HDBank giảm 1,94 điểm %, OCB giảm 1,25 điểm %…
Khảo sát cũng cho thấy, có tới 13/24 nhà băng sở hữu tỷ lệ CASA ở mức dưới 15%. Trong đó, VietBank là ngân hàng có tỷ lệ CASA ở mức thấp nhất khi chỉ 3,1% tổng số tiền gửi khách hàng là tiền gửi không kỳ hạn.
BacABank và Kienlongbank lần lượt đứng thứ hai và ba từ dưới lên với tỷ lệ CASA ở mức 3,7% và 5,7%.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ CASA ở mức khiêm tốn bao gồm Vietcapitalbank (6,1%), SeABank (8%), NamABank (8,7%),…
Trong các nguyên do, có một điểm được chú ý khi nhiều NHTM nói trên đã có hướng dịch chuyển và đặt trọng tâm nhiều hơn ở hướng ngân hàng bán lẻ, tập trung nhiều hơn ở khách hàng cá nhân. Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong nửa đầu năm nay lượng tiền gửi cá nhân đã tăng trưởng thấp hơn hẳn so với cùng kỳ những năm trước (trong khi đó tiền gửi các tổ chức kinh tế lại tăng lên). Diễn biến này có thể bước đầu phản ánh tác động của Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng.
Thứ nữa, sau khi lãi suất huy động đã rơi xuống vùng thấp kỷ lục, nhiều NHTM đã xác định và mở rộng vùng vốn rẻ thay vì chỉ là CASA. Lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tính theo tuần và dưới 3 tháng được xác định là “vùng vốn rẻ”, họ nâng lãi suất ở vùng này để tạo số dư lớn hơn. Theo đó, việc thu hút hoặc suy giảm tỷ lệ CASA có một phần bị tác động theo hướng dịch chuyển qua lãi suất.