Vì sao lần phân bổ dự trữ SDR sắp tới của IMF cho Việt Nam và các nước thành viên lại có ý nghĩa rất quan trọng?

0
182

1. Thông tin chung về SDR

Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tạo ra vào năm 1969 để bổ sung cho các tài sản dự trữ khác (như vàng, ngoại tệ) của các nước thành viên. Định giá đồng SDR dựa trên một rổ tiền tệ quốc tế bao gồm Đô la Mỹ, Yên Nhật, Euro, Bảng Anh và Nhân dân tệ của Trung Quốc. SDR không phải là một loại tiền tệ, cũng không phải là một loại yêu cầu bắt buộc (claim) đối với IMF, nhưng SDR có khả năng quy đổi/sử dụng tự do trong các thành viên IMF. Giá trị của SDR được IMF thay đổi hàng ngày, trên cơ sở tỷ lệ cố định của các đơn vị tiền tệ trong giỏ SDR và ​​tỷ giá hối đoái thị trường hàng ngày giữa các đơn vị tiền tệ có trong giỏ SDR, ví dụ, ngày 12/8/2020, 1SDR = 1,418 USD.

SDR chỉ được phân bổ cho các thành viên IMF đồng ý tham gia vào Vụ SDR và hiện tại tất cả các thành viên của IMF (190 nước) đều là thành viên của Vụ SDR. SDR có thể được nắm giữ và sử dụng bởi các nước thành viên, IMF và một số tổ chức chính thức nhưng không thể được nắm giữ bởi các tổ chức tư nhân hoặc cá nhân. Trạng thái nắm giữ SDR được coi như một tài sản dự trữ bắt nguồn từ các cam kết của các thành viên trong việc nắm giữ và trao đổi các SDR và ​​chấp nhận giá trị của các SDR theo quyết định của IMF. SDR cũng đóng vai trò là đơn vị tài khoản của IMF và một số tổ chức quốc tế khác. Do vậy, các nghĩa vụ tài chính cũng có thể được tính bằng SDR.

Theo IMF, ngoài các nước thành viên của IMF, hiện tại có 15 tổ chức có thể nắm giữ SDR theo quy định, bao gồm: 4 Ngân hàng Trung ương lớn (Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Ngân hàng của các Quốc gia Trung Phi, Ngân hàng Trung ương của các Quốc gia Tây Phi và Ngân hàng Trung ương Đông Ca-ri-bê); 3 tổ chức tiền tệ liên chính phủ (Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Quỹ Dự trữ Mỹ Latinh, và Quỹ Tiền tệ Ả Rập); và 8 tổ chức phát triển (Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Quỹ Phát triển Châu Phi, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế và Hiệp hội Phát triển Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Hồi giáo, Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế).

2. Điều kiện và cách thức phân bổ SDR 

Theo quy định tại Điều VXIII, Điều lệ IMF, phân bổ SDR (allocation) là một phương thức để tăng dự trữ quốc tế cho các nước hội viên của IMF, được IMF xem xét thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung dự trữ dài hạn trên toàn cầu để đạt được các mục tiêu ổn định hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu, đồng thời tránh gây ra áp lực lạm phát. Nguồn SDR phân bổ không kèm theo điều kiện chính sách, vì thế đặc biệt thích hợp khi có khủng hoảng hệ thống. Theo quy định tại Điều lệ IMF, IMF có quyền rút lại SDR phân bổ một cách vô điều kiện khi IMF thấy cần thiết, mặc dù vậy từ trước đến nay IMF chưa bao giờ rút lại số SDR phân bổ này. Điều này có nghĩa là lượng SDR phân bổ chỉ có tính tạm thời, không được xác định là vĩnh viễn.

Khoản SDR được phân bổ sẽ được phản ánh trên tài khoản SDR của nước hội viên tại IMF. Nếu sử dụng số SDR phân bổ, quốc gia thành viên sẽ phải trả phí sử dụng SDR tính theo lãi suất SDR thả nổi được công bố hàng tuần trên website IMF (hiện đang ở mức 0,05%/năm, nhưng trong lịch sử đã có giai đoạn ở mức 3,8%/năm). Khi được phân bổ SDR, nước hội viên không mất thêm chi phí nào và được phép sử dụng SDR vào bất kỳ mục đích nào, trong đó bao gồm cả việc trả nợ vay IMF hay tăng vốn tại IMF.

Ví lý do trên, SDR có thể coi là một phương tiện để cung cấp hỗ trợ kịp thời cho các quốc gia có nhu cầu cấp thiết. Phân bổ SDR được phân bổ cho các thành viên tương ứng với cổ phần hạn ngạch của IMF – khoảng 42,2 % tương ứng với thị phần của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, trong đó 3,2 % tương ứng với các nước thu nhập thấp. Bằng cách giúp ổn định thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, phân bổ SDR có thể giúp giảm thiểu rủi ro về kinh tế và xã hội, giảm thiểu tác động lan tỏa, tăng cường sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế và hỗ trợ sự phục hồi toàn cầu theo hướng bền vững và linh hoạt.

Phân bổ SDR được rà soát định kỳ 5 năm/lần, tuy vậy việc phân bổ SDR chỉ được quyết định theo tình hình cụ thể. Theo đó: (i) Đợt 1 từ năm 1970-1972 trị giá 9,3 tỷ SDR; (ii) Đợt 2 từ 1979-1981 trị giá 12,1 tỷ SDR và (iii) Đợt 3 vào năm 2009 là 161,2 tỷ SDR, là đợt phân bổ lớn nhất. Tại năm 2009, ngoài phân bổ chung, IMF cũng thực hiện thêm 1 phân bổ đặc biệt một lần trị giá 21,5 tỷ SDR để dành cho các thành viên gia nhập IMF sau năm 1981 chưa bao giờ nhận được phân bổ. Việt Nam tham gia IMF từ năm 1956 dưới thời Chính quyền Sài Gòn cũ, nên đã được phân bổ SDR trong 03 đợt Phân bổ tổng thể này. Tổng số SDR của Việt Nam được phân bổ đến nay là  314.792.001 SDR.

3. Chi phí liên quan đến việc nhận phân bổ và sử dụng phân bổ SDR

Đối với các nước thành viên IMF, việc nhận phân bổ SDR từ IMF là “miễn phí”. Thông qua sự gia tăng phân bổ SDR của IMF, các nước thành viên IMF sẽ được tăng tương ứng việc nắm giữ SDR. Vụ SDR sẽ trả lãi cho các khoản sở hữu SDR của mỗi thành viên và tính các khoản phí phân bổ SDR của mỗi thành viên với cùng một tỷ lệ (lãi suất SDR). Do đó, phân bổ SDR là “miễn phí” cho tất cả các thành viên vì phí và lãi suất sẽ bằng 0 nếu các quốc gia không sử dụng phân bổ SDR. Các nước thành viên IMF phải trả một khoản tiền hàng năm rất nhỏ để trang trải chi phí hoạt động của Vụ SDR – IMF (phí hiện tại khoảng 0,001% trên phân bổ tích lũy của mỗi nước thành viên).

Việc sử dụng SDR không phải là “miễn phí”. Việc sử dụng SDR xảy ra khi một quốc gia giảm tỷ lệ nắm giữ SDR so với phân bổ SDR tích lũy của mình. Các quốc gia sử dụng SDR của họ sẽ phải chịu các khoản phí ròng trên phần chênh lệch giữa phân bổ SDR tích lũy và số tiền SDR nắm giữ của họ. Lãi suất SDR tính đến tháng 7/2021 là khoảng 0,05%. Các thành viên nhận SDR, theo một giao dịch tự nguyện hoặc theo chỉ định, phải cung cấp ngoại hối để trao đổi, thay thế hiệu quả tài sản dự trữ này bằng tài sản dự trữ khác.

4. Thông tin về lần phân bổ SDR thứ 11– năm 2021

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh toàn cầu, các nước thành viên đã kêu gọi IMF xem xét về phân bổ SDR. Từ tháng 3/2021, Giám đốc điều hành các khu vực bắt đầu tham vấn các nước thành viên. Được sự ủng hộ của các nước thành viên, tại Hội nghị Mùa xuân năm 2021, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) đã đề xuất IMF thực hiện phân bổ SDR lần này với số tiền tương đương 650 tỷ USD (khoảng 456 tỷ SDR) để giúp đáp ứng nhu cầu dài hạn của các nước về bổ sung dự trữ ngoại hối, với tỷ lệ phân bổ là tương đương với 95,8455025357% quyền bỏ phiếu.

Theo Tổng Giám đốc IMF, việc phân bổ SDR lần này sẽ giúp củng cố vị thế đối ngoại của các nước thành viên, xây dựng lòng tin, thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của nền kinh tế toàn cầu và đóng góp vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Việc phân bổ SDR tăng khả năng ứng phó với khủng hoảng ngay lập tức, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đối với nền kinh tế do đại dịch và ngăn ngừa khủng hoảng kéo dài lâu dài hơn. Mặt khác, đợt phân bổ lần này cũng thỏa mãn điều lệ của Quỹ (Điều XVIII, Mục 4.a và 4.b) về việc thực hiện phân bổ SDR: “Trong tất cả các quyết định đối với việc phân bổ và hủy bỏ các quyền rút vốn đặc biệt, Quỹ sẽ tìm cách đáp ứng nhu cầu toàn cầu dài hạn, và khi phát sinh, để bổ sung tài sản dự trữ hiện có theo hướng thúc đẩy đạt được các mục đích của Quỹ giúp tránh được tình trạng trì trệ và giảm phát kinh tế, cũng như việc dư thừa cầu và lạm phát trên thế giới ”.

Theo đề xuất của IMF, tất cả các nước là thành viên của Quỹ đều đủ điều kiện nhận khoản phân bổ. Trong lần phân bổ thứ 11 này, mỗi nước thành viên sẽ nhận được số SDR phân bổ bằng 95,8455025357 % tỷ lệ góp vốn vào ngày thông qua quyết định phân bổ SDR. Nếu nước thành viên không muốn tham gia đợt phân bổ thì có thể không tham gia bỏ phiếu Nghị quyết và thông báo cho Vụ SDR của IMF về việc này.

Ngay sau khi lần phân bổ thứ 11 thực hiện, IMF sẽ gia tăng các hoạt động cần thiết nhằm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong báo cáo hiệu quả sử dụng SDR: IMF sẽ công bố các thông tin liên quan đến nắm giữ, giao dịch, mua bán SDR trong văn bản Cập nhật hàng năm về hoạt động giao dịch SDR của IMF. Sau 2 năm kể từ đợt phân bổ thứ 11 này, IMF sẽ đưa ra báo cáo tình hình sử dụng lượng phân bổ SDR này trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu và các ưu tiên chính sách liên quan đến dịch COVID–19. Đồng thời, IMF cũng sẽ đảm bảo khả năng hấp thụ SDR khi nhu cầu bán SDR tăng. Dự báo nhu cầu bán SDR sẽ tăng cao sau khi đợt phân bổ tổng thể lần thứ 11, IMF đảm bảo Cơ quan thu xếp giao dịch tự nguyện của IMF (VTA) sẽ đáp ứng được nhu cầu mua bán SDR của các nước thành viên ngay cả trong tình huống nhu cầu mua bán SDR tăng cao. Dựa trên kinh nghiệm của những lần phân bổ trước, để tăng cường hoạt động thị trường giao dịch SDR, VTA sẽ định hướng thị trường theo hướng mở rộng đối tượng giao dịch và tăng cường tính linh hoạt trong các giao dịch hiện có.

5. Ý nghĩa của lần phân bổ SDR thứ 11 đối với các quốc gia thành viên IMF nói chung và Việt Nam nói riêng

SDR là một tài sản dự trữ do IMF cung cấp cho quốc gia thành viên theo dạng vô điều kiện, quốc gia thành viên không chịu ràng buộc đặc biệt với IMF như các khoản vay khác của IMF.

Theo tính toán của IMF, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu dài hạn trên toàn cầu về tài sản dự trữ bổ sung dự kiến ​​sẽ tăng cao, dao động từ 1,1 đến 1,9 nghìn tỷ USD (khoảng 0,8 đến 1,4 nghìn tỷ SDR) trong 5 năm tới. Để hỗ trợ các nước thành viên vượt qua đại dịch và từng bước phục hồi kinh tế, đợt phân bổ SDR thứ 11 này sẽ giúp các nước thành viên tăng dự trữ ngoại hối, có thêm nguồn lực tài chính nhanh với lãi suất hợp lý để giải quyết các nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế. Trong khuôn khổ Tiến trình tài chính G20 năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng với một số Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã kêu gọi IMF thực hiện phân bổ SDR như một cách hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng như đã thực hiện năm 2009, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong đợt phân bổ SDR lần thứ 11 này, với 0,26% tỷ lệ góp vốn tại IMF, Việt Nam dự kiến sẽ được phân bổ khoảng 1,1 tỷ SDR, tương đương với 1,61 tỷ USD, số lượng cụ thể tùy theo số được phê duyệt bởi các thành viên. Với số phân bổ lần này, Việt Nam sẽ có khoảng 1.414 tỷ SDR, gấp hơn 4 lần số SDR được phân bổ hiện nay. Đây sẽ là khoản dự trữ ngoại hối rất lớn mà Việt Nam có thể huy động trong điều kiện khẩn cấp.

Vì vậy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch, dự trữ của nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi không đủ để tạo ra bộ đệm tài chính đủ mạnh để đối phó khủng hoảng, việc IMF đề xuất phân bổ SDR là sự hỗ trợ lớn từ IMF cho các nước thành viên đang gặp khó khăn tài chính.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTiền ảo, rủi ro thật
Bài tiếp theoBình ổn giá cả thị trường, tạo tiền đề cho kiểm soát lạm phát năm 2022

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây