Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư công ty chứng khoán Maybank KimEng cho rằng, hiện tại lãi suất đang quá thấp có thể là đã chạm đáy, nên việc giảm thêm lãi suất đại trà là rất nhỏ.
Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất
Xét về mặt bằng chung lãi suất huy động trong tháng 2 gần như đi ngang so với tháng trước đó. Tuy nhiên, ở nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động tăng nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 0,08% và 0,18%, 3,8% và 5,18%, do việc tăng lãi suất của VietinBank.
Ngược lại, nhóm ngân hàng cổ phần giảm lãi suất huy động. Đối với kỳ hạn 6 tháng, các ngân hàng quy mô vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,36 điểm phần trăm lãi suất xuống 5,39%, còn nhóm ngân hàng có quy mô lớn áp dụng mức lãi suất trung bình 4,74%, giảm 0,15 điểm %.
Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của hai nhóm này giảm lần lượt 0,02 điểm % và 0,03 điểm %.
Hiện tại, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ở mức 3,5% trên năm cho kỳ hạn 6 tháng và 4,5% đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động cao nhất kỳ hạn 6 tháng thuộc về NCB với 6,05%, còn HDBank và một ngân hàng có vốn nước ngoài là Indovina Bank cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng với 6,9%.
Nguyên nhân khiến lãi suất huy động trên thị trường giảm là do đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.
Không phủ nhận còn dư địa giảm, nhưng ông Phan Dũng Khánh, cho rằng, tình huống giảm lãi suất chỉ có thể là đối với một số trường hợp đặc biệt.
“Vì lãi suất tại Việt Nam không thể về 0% thậm chí là âm như nhiều nước trên thế giới, mà vẫn phải đảm bảo mức phù hợp để thu hút được tiền gửi của dân, nếu giảm thêm các ngân hàng khó có thể huy động đủ vốn phục vụ cho kinh doanh khi tín dụng phục hồi”, ông Khánh lý giải.
Lãi vay giảm chưa tương xứng
Mặc dù không ủng hộ giảm thêm lãi suất huy động, song nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần phải giảm thêm lãi suất cho vay để đảm bảo công bằng.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh khoản các ngân hàng đang dồi dào và lạm phát thấp, sẽ có thêm dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Qua đó, giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào giảm lãi suất cho vay, kích thích kinh tế phát triển.
Theo ông Phan Dũng Khánh, việc giảm lãi suất không chỉ hỗ trợ khách hàng, mà giúp ngân hàng hạn chế nợ xấu.
Trong khi đó, nhiều khách hàng nói rằng, thu nhập giảm sút vì dịch bệnh, nhưng tiền lãi của ngân hàng vẫn phải “trả đều, trả đủ”, không được giảm chút nào so với thời điểm trước dịch bệnh.
Dự đoán về xu hướng lãi suất năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ khó giảm thêm, vì tín dụng bắt đầu phục hồi, nhiều ngân hàng bắt đầu cạnh tranh huy động để cho vay.
“Khó có chuyện lãi suất cho vay giảm mạnh. Năm nay, vẫn có thể xảy ra trường hợp tương tự như năm ngoái, khi mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm mạnh, nhưng đầu ra chỉ giảm nhỏ giọt. Do nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng nên họ sẽ nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng biên lãi ròng. Lợi nhuận thu về cao hơn dùng để tăng trích lập dự phòng rủi ro”, chuyên gia Tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Không những thế, các ngân hàng đều đặt kế hoạch năm 2021 tăng trưởng hơn 2020. Năm ngoái, các nhà băng đã lãi lớn nhờ lãi suất huy động giảm thấp nhưng lãi vay giảm không tương ứng, nên năm nay không có lý gì lại giảm mạnh lãi suất cho vay để tăng trưởng giảm so với trước và giá cổ phiếu chắc cũng không thể tăng, đây là điều giới ngân hàng không hề mong muốn.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, có 2 lý do khiến lãi vay của ngân hàng chưa giảm tương ứng. Đó là ngân hàng vẫn còn tồn một lượng nhất định vốn huy động với lãi suất cao trước đây và nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ tăng buộc ngân hàng phải “neo” lãi suất cao (nhất là lãi vay mua nhà, mua xe) để phòng ngừa nợ xấu.