Các thống kê về thị trường tiền tệ cho thấy, diễn biến tỷ giá VND/USD từ đầu năm 2021 cho đến nay khá ổn định, với mức dao động tỷ giá VND/USD tính đến tháng 6/2021 chỉ ở mức 0,2 – 0,3% và không có một giai đoạn căng thẳng nào. Do cung cầu USD trong nước khá ổn định, trong khi đồng USD vẫn trong trạng thái yếu kể từ đầu năm nên sức ép tỷ giá là không đáng kể.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chính sách điều hành linh hoạt thông qua tỷ giá trung tâm, tuy nhiên chủ yếu để thị trường tự điều tiết và chưa có động thái bán ra lượng lớn USD để can thiệp vào thị trường.
Tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi và nguồn cung USD dồi dào, NHNN tiếp tục mua vào USD để làm dày thêm dự trữ ngoại hối, tuy nhiên cường độ mua USD đã giảm đáng kể so với năm 2020 do NHNN muốn kiểm soát lượng tiền VND bơm ra thị trường.
Trong suốt năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất về mức 0%, đồng thời bơm một lượng tiền khổng lồ vào thị trường tài chính thông qua động thái mua trái phiếu. Theo giới chuyên môn, chính các động thái bơm tiền mạnh mẽ của Fed đã giảm áp lực lên VND cũng như các đồng tiền khác của các quốc gia mới nổi.
Dẫu vậy, trong báo cáo vĩ mô vừa công bố, các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) dự báo, trong thời gian tới áp lực đối với VND có thể sẽ tăng lên khi Fed đang ra tín hiệu đảo chiều chính sách làm tăng giá USD trên thị trường thế giới. Khi dịch COVID-19 hoàn toàn được kìm chế và nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, nhiều khả năng FED sẽ gỡ bỏ dần các gói kích thích tiền tệ qua đó làm tăng giá USD.
Cùng chung quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, việc đồng bạc xanh tăng mạnh trở lại, các đồng tiền trong khu vực châu Á chịu áp lực suy yếu tương ứng và đồng Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù, trong hầu hết thời gian 6 tháng đầu năm 2021, tỷ giá USD/VND đa phần giao dịch trong biên độ 23.010 – 23.100 đồng với xu hướng thiên về tiền Đồng tăng giá nhưng dường như tình hình có xu hướng đảo ngược sau kỳ họp gần nhất của Fed. “Nhìn về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, vẫn không bỏ ngỏ khả năng VND chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo 23.100 VND/USD vào cuối năm nay. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến như cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, mối lo về giá cả hàng hóa cao hơn cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại”, ông Ngô Đăng Khoa chia sẻ.
Dù áp lực lên tỷ giá được dự báo tăng nhưng với nền tảng tốt, cộng với dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì đà gia tăng trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, giới chuyên môn cho rằng, đây sẽ là những trợ lực tạo điều kiện giữ ổn định tỷ giá.
“Với xu hướng dao động đi lên nhẹ của USD trên thị trường tài chính thế giới cộng thêm áp lực lạm phát của Việt Nam tăng nhẹ 6 tháng cuối năm 2021, sức ép giảm giá VND so với USD sẽ tăng song không đáng quan ngại”, các chuyên gia phân tích của MBS nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, MBS đánh giá: “NHNN sẽ để VND giảm giá nhẹ so với USD trong năm 2021 tùy thuộc vào điều kiện thị trường. Nhìn chung, NHNN vẫn phải cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu, do đó không có động lực hạ giá hay tăng giá VND quá mạnh nếu không chịu sức ép từ lạm phát hoặc từ môi trường kinh tế thế giới”.
Cũng theo MBS, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2021 sẽ không tăng mạnh như năm 2020 song vẫn sẽ gia tăng nhờ được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) và kiều hối. Với dự trữ ngoại hối ước đạt trên 3,5 tháng nhập khẩu và cao hơn đáng kể so với mức nợ ngoại tệ ngắn hạn của nền kinh tế là 21,9 tỷ USD, các chuyên gia của MBS đánh giá: “Rủi ro tỷ giá tăng cao trong 2021 là khá thấp”.
Nhìn nhận diễn biến tỷ giá thời gian quan, các chuyên gia phân tích đến từ Công ty cổ phần chứng khoán SSI cho rằng, tỷ giá đang giữ xu hướng đi ngang do cung cầu ngoại tệ vẫn khá cân bằng nhờ dòng tiền kiều hối và giải ngân FDI tích cực, đủ để bù đắp cho thâm hụt cán cân thương mại trong quý II/2021 vừa qua. “Chúng tôi cho rằng tỷ giá VND/USD sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ về cuối năm do cán cân thanh toán được cải thiện”, các chuyên gia của SSI dự báo.
Có thể nói, để duy trì tỷ giá ổn định ổn định như thời gian qua có công rất lớn từ điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Cụ thể, thời gian qua, NHNN thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Và điều này cũng đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định trong buổi làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, ngày 19/7. Tại buổi làm việc, NHNN khẳng định: “Chính sách tỷ giá của Việt Nam, trong khung khổ chính sách tiền tệ chung, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế”.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết, cùng với tiến trình hiện đại hoá khung khổ chính sách tiền tệ, NHNN cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó giải toả các quan ngại của Bộ Tài chính Mỹ.
Các quan điểm trên của NHNN đã được Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ và đồng thuận. Đồng thời, hai bên cũng đánh giá cao sự phối hợp làm việc mang tính xây dựng và cùng cam kết sẽ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiện chí nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung như hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ và toàn diện sau đại dịch COVID-19.
Với sự đồng thuận từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, giới chuyên môn đánh giá khả năng cao Việt Nam sẽ không nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ và sẽ không chịu các biện pháp trừng phạt liên quan. Đây là một thông tin tích cực đối với nền kinh tế nói chung và các ngân hàng nói riêng.