Theo các chuyên gia phân tích của BVSC, dựa vào báo cáo đánh giá thị trường tiền tệ tháng 8, trong tháng vừa qua, đồng Việt Nam tiếp tục ghi nhận xu hướng mất giá so với đồng USD. Được biết, trong tháng 8/2022, tỷ giá USD/VND đã tăng thêm 0,37%. Đồng Việt Nam đã giảm 2,64% theo tỷ giá quy đổi với USD so với cuối năm 2021.
Chỉ số DXY – đo sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng ngoại tệ lớn khác (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) trên thị trường thế giới cũng đã tăng 3,13% trong tháng 8 và cao hơn 13,73% từ đầu năm.
Tất cả đồng tiền tại các nước mới nổi khu vực châu Á đều ghi nhận xu hướng mất giá so với đồng USD trong tháng gần nhất theo mẫu theo dõi của BVSC. Trong đó, giảm mạnh nhất là đồng Won của Hàn Quốc, hiện đã giảm 11,15% từ đầu năm, còn VND ghi nhận mức giảm thấp nhất ở 2,64% từ đầu năm.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell – đã phát đi thông điệp quyết liệt của ngân hàng Trung ương trong việc đối phó với lạm phát tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole diễn ra trong tháng 8. Chủ tịch Fed khẳng định sẽ duy trì việc nâng lãi suất tới khi nào lạm phát được kiểm soát.
Giới phân tích cho biết, trong cuộc họp chính sách diễn ra tháng 9, nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %. Điều này có thể tiếp tục khiến đồng USD lên giá mạnh.
Với tình hình hiện tại, áp lực mất giá hiện tại của đồng Việt Nam phần lớn là đến từ việc đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực dương và có thặng dư thương mại.
VNĐ sẽ không mất giá quá 3% trong năm nay với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế, trong tháng 8 vừa qua thị trường tỷ giá VND/USD ghi nhận xu hướng giảm trong nửa đầu tháng, nhưng tăng trở lại về cuối tháng. Tỷ giá quy đổi tại các ngân hàng thương mại đều đã lên xấp xỉ mức 23.600 VND/USD.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, áp lực lên tiền đồng vẫn tương đối lớn khi nguồn cung ngoại tệ năm nay không còn quá tích cực như kỳ vọng, trong khi đó đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên.
SSI cũng dự báo, nhằm giảm áp lực với tỷ giá VND/USD trong bối cảnh tỷ giá biến động và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trên kênh liên ngân hàng.
Theo số liệu SSI ghi nhận được trong vài tuần vừa qua, được biết cơ quan quản lý tiền tệ đã bán giao ngay một lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối để giảm áp lực tỷ giá.
Bên cạnh đó, theo Công ty Chứng khoán VNDirect, thị trường hiện tồn tại một số yếu tố hỗ trợ tiền đồng trong nửa cuối năm, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 7,2 tỷ USD) và thặng dư cán cân thanh toán cùng dự trữ ngoại hối cao (tương đương 3,6 tháng nhập khẩu).
Xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay theo các chuyên gia tại đây. Trong đó, vào cuối năm tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh sẽ duy trì trong khoảng 22.900 – 23.300 VND/USD, tương đương với mức tăng không quá 2% so với cuối năm 2021.