Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội về nhu cầu cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Sớm giải ngân nguồn vốn
Theo đó, trên tổng số vốn 15.000 tỷ đồng được giao trong năm 2022 và 2023, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội về dự kiến kế hoạch cho vay năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, năm 2023 là 8.200 tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng, hiện nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 275 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô xây dựng khoảng 147.000 căn, tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 372.000 căn hộ, tổng diện tích khoảng 18,6 triệu m2 (trong đó có 116 dự án cho công nhân khu công nghiệp; 223 dự án cho người thu nhập thấp khu vực đô thị).
Về nhu cầu vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hầu hết các hộ gia đình, cá nhân được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội là các đối tượng có thu nhập thấp, gia đình chính sách, công nhân khu công nghiệp nên nhu cầu vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội là rất lớn, chỉ tính riêng đối với các dự án đang triển khai thì nếu mỗi căn hộ, người dân được vay 500 triệu đồng (khoảng 50% giá trị căn nhà) thì nhu cầu khoảng 122.500 tỷ đồng.
Như vậy, nhu cầu vay vốn của các cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là rất lớn. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP thì Ngân hàng Chính sách xã hội được phân bổ 15.000 tỷ đồng để cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023.
Cũng bởi những lý do trên, Bộ Xây dựng cho rằng, cần sớm giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng được giao trong 2 năm 2022 và 2023.
Theo nội dung công văn, Bộ Xây dựng nêu rõ: “Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội về dự kiến kế hoạch cho vay năm 2022 là 6.800 tỷ đồng và năm 2023 là 8.200 tỷ đồng”.
Nguồn cung nhà ở xã hội khan hiếm
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong khi giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng bình quân khoảng 3% so với cuối năm 2021 thì nguồn cung nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế khi cả nước chỉ có 39 dự án với khoảng 18.600 căn hộ được cấp phép mới, chỉ tương đương 41% so với cùng kỳ quý I/2021.
Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 4-5%, tại các khu vực nội thành, nhà ở thương mại không còn giá dưới 25 triệu đồng/m2. Khi mà giá nhà thương mại tăng cao thì việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Hà Nội vẫn còn khá chậm khiến cho nguồn cung trở nên khan hiếm, không đáp ứng được kỳ vọng của người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có 25 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với gần 12.909 căn hộ. Dự kiến, trong quý III và IV/2022, khi 2 dự án mới được khởi công cũng chỉ bổ sung thêm 1.860 căn.
Theo ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khát” nhà ở xã hội của người dân. Điều đáng nói, theo quy định, mỗi dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đều phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhưng tại Hà Nội, nhiều dự án không chấp hành nghiêm túc quy định này.
Ở giai đoạn trước đây, các dự án đã được lựa chọn chủ đầu tư không có 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy, chỉ có các dự án bị thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư khác thì mới bố trí tiếp nhà ở xã hội. Từ thực tế này, dự án bố trí nhà ở xã hội không nhiều, ông Phương nêu rõ.