Trong hơn 2 năm qua, nền kinh tế – xã hội, tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như đời sống nhân dân chịu tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam luôn theo sát diễn biến thực tế, chủ động tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN để tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, NSDLĐ.
Các chính sách điển hình có thể kể tới như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN. Đặc biệt trong đó là gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay.
Để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất các gói hỗ trợ theo các chính sách trên đến tận tay NLĐ, NSDLĐ, BHXH Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực sẵn có, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin và mã định danh của từng người tham gia, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian chi trả.
Kết quả, toàn ngành BHXH Việt Nam đã triển khai giảm đóng vào các quỹ BHXH và chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ BHTN với tổng kinh phí trên 45.444 tỷ đồng cho NLĐ và NSDLĐ đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Cụ thể, đối với Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với 1.847 đơn vị, doanh nghiệp (cho 192.503 lao động) với số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là trên 786,8 tỷ đồng.
Đối với Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, tính đến ngày 15/5/2022, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho trên 375,3 nghìn đơn vị, tương ứng gần 11,1 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; đã giải quyết cho 2.760 đơn vị (với 374.126 lao động) tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất với số tiền 1.913 tỷ đồng.
Đến ngày 27/5/2022, cơ quan BHXH đã tiếp nhận Quyết định của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho 5.038 NLĐ của 36 đơn vị tương ứng với số tiền là 23,5 tỷ đồng.
Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, chỉ sau 5 ngày, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BHTN cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, toàn ngành BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân đã chi trả chế độ hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ BHTN cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền gần 30.804 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp chưa có trong tiền lệ đã nhanh chóng được ban hành, qua đó, lợi ích của NLĐ, doanh nghiệp khi tham gia BHXH, bảo hiểm y tế càng được thể hiện rõ hơn trong bối cảnh đại dịch.
Bên cạnh đó, việc ngành BHXH Việt Nam chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các gói hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp từ nguồn Quỹ BHXH, Quỹ BHTN theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ đã thể hiện rõ nét vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHTN trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của đất nước. Các chính sách này đã thực sự trở thành nhu cầu thiết yếu, điểm tựa an sinh trong cuộc sống của mỗi người dân.
Để đạt được những kết quả trên, BHXH Việt Nam đã liên tục có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong toàn hệ thống nhằm triển khai nghiêm túc, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho NLĐ và NSDLĐ.
Trong đó, đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của lãnh đạo, viên chức toàn Ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ tiếp cận các gói hỗ trợ; đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ (không phụ thuộc vào địa giới hành chính), cũng như việc cắt giảm tối đa thời gian giải quyết hồ sơ xuống còn không quá 1 ngày làm việc… để chính sách hỗ trợ đến được với NLĐ, NSDLĐ một cách sớm nhất, hiệu quả nhất.
Việc ngành BHXH Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch COVID-19, sớm ổn định kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân.