Lợi ích tích hợp
Sau một năm chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn khởi động quý đầu năm đầy tích cực và tiếp tục là ngành kinh doanh có lãi. Không riêng những “ông lớn” Big4, nhiều ngân hàng cổ phần đã thông báo kết quả lợi nhuận khả quan cùng kế hoạch lợi nhuận đầy tham vọng trong năm 2021.
Được biết, lợi nhuận ngành Ngân hàng không chỉ đến từ thu nhập lãi vay mà còn có thu nhập ngoài lãi, thu dịch vụ như phí, thẻ, bancassurance (bancassurance là thỏa thuận giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm cho phép công ty bảo hiểm bán sản phẩm của mình cho khách hàng của ngân hàng. Thỏa thuận hợp tác này có thể mang lại lợi nhuận cho cả hai công ty).
Theo đánh giá của Chứng khoán SSI, hai thỏa thuận đối tác bancassurance độc quyền lớn được ký kết giữa ACB và SunLife Việt Nam, VietinBank và Manulife Việt Nam dự báo sẽ tạo ra nhiều thay đổi về thị phần bảo hiểm nhân thọ.
Đáng chú ý nhất là hợp tác bảo hiểm độc quyền giữa Vietcombank và FWD Group (một công ty bảo hiểm đa quốc gia có trụ sở tại Hồng Kông). Năm ngoái, Vietcombank đứng thứ 13 về kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ và nay, đã chiếm vị trí thứ 8 trong quý đầu tiên của năm 2021.
Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong quý đầu tiên năm nay, ngân hàng ghi nhận hơn 8,6 nghìn tỷ đồng (373,9 triệu USD) lợi nhuận trước thuế trong kỳ, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong con số này, 90 tỷ đồng đến từ doanh thu của hoạt động bancassurance.
Hay tại LienVietPostBank, ngân hàng này cũng nằm trong top những ngân hàng thương mại có doanh số bảo hiểm cao nhất thị trường. Cụ thể, LienVietPostBank đã ký thỏa thuận đối tác độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam trong 5 năm và thỏa thuận sẽ kết thúc vào năm 2022.
“Năm ngoái, ngân hàng đã đạt doanh thu từ hoạt động bancassurance 451 tỷ đồng. Năm nay, ngân hàng đặt kế hoạch doanh thu 700 tỷ đồng. Tới đây, ngân hàng sẽ đàm phán để ký thỏa thuận đối tác độc quyền với các đối tác khác”, đại diện LienVietPostBank chia sẻ.
Cũng là đối tác độc quyền của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Sacombank và Dai-ichi đã ký kết thỏa thuận hợp tác bancassurance độc quyền kéo dài 20 năm vào năm 2017. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, 4 tháng đầu năm nay, lợi nhuận từ bancassurance đạt hơn 400 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ là nhà bảo hiểm duy nhất bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua mạng lưới của Sacombank.
Trên thế giới, bảo hiểm ở các quốc gia đều phát triển rất mạnh mẽ và đa dạng. Chính vì thị trường rộng lớn, tiềm năng, nên trong tương lai có thể sẽ còn nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bảo hiểm, để triển khai dịch vụ bancassurance.
Tránh “một cổ hai tròng”, cách nào?
Tuy nhiên, cũng không phải không có thách thức với lĩnh vực này. Theo chuyên gia kinh tế, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, các sản phẩm bao hiểm được bán qua kênh bancassurance hiện nay vẫn còn đơn giản, là sản phẩm có sẵn của doanh nghiệp bảo hiểm, chứ chưa có những sản phẩm đặc thù cho kênh bancassurance. Chính vì vậy, cần đầu tư thiết kế thêm sản phẩm mới riêng biệt, mang tính kết hợp đúng nghĩa giữa ngân hàng và bảo hiểm.
“Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng. Với nguồn nhân lực từ các công ty bảo hiểm và lực lượng cán bộ ngân hàng được đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Các ngân hàng phải có đào tạo bài bản hơn, từ đó hoạt động bancassurance đi vào nề nếp và có tính hiệu quả cao hơn”, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Bản thân khách hàng phải nắm bắt thông tin về bảo hiểm như: Sản phẩm được chào mua là gì, chính sách chi trả, quyền lợi khi tham gia hay người thụ hưởng thế nào cần được làm rõ… Ngoài ra, các thông tin gần đây cũng dấy lên một nỗi lo ngại, khi nhiều khách hàng có nguy cơ “một cổ hai tròng” vì muốn tiếp cận vốn ngân hàng thì phải mua bảo hiểm.
Đứng trước sự quan tâm của dư luận về vấn đề này, Bộ Tài chính đã nhanh chóng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp “ép buộc” khách hàng mua bảo hiểm nếu có.
Đồng thời, Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc quản lý, giám sát đối với nhân viên ngân hàng trực tiếp bán bảo hiểm đảm bảo tuân thủ các quy định theo hợp đồng đại lý bảo hiểm thuộc thẩm quyền của các ngân hàng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng.
Trước thực tế thị trường như hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, bản thân khách hàng phải là người có đủ hiểu biết và nắm bắt thông tin về bảo hiểm. Thực tế không chỉ khách hàng vay vốn ngân hàng mà ngay cả khách đến gửi tiết kiệm cũng luôn được chào mua bảo hiểm. Tuy nhiên, sản phẩm được chào mua ấy là gì, chính sách chi trả, quyền lợi khi tham gia hay người thụ hưởng thế nào cần được làm rõ.
“Không phải khi khách hàng vay tiền, có tham gia bảo hiểm, nếu sự kiện xảy ra thì sẽ được công ty bảo hiểm đứng ra trả nợ ngân hàng thay. Hay với người gửi tiết kiệm, thường có cơ chế ưu đãi miễn phí bảo hiểm năm đầu hoặc trong một khoảng thời gian nào đó. Nhứng chủ yếu vẫn là khách hàng phải tự tính toán được quyền lợi của mình, ẩn trong những chính sách kia có phù hợp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngày 30/10/2020, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Công văn số 7928/NHNN-TTGSNH về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Tại công văn này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm và nhấn mạnh: các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng rất rõ ràng: Việc chào bán bảo hiểm pháp luật không cấm nhưng phải giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.