Nhiều kết quả nổi bật trong năm 2020
Ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, tạo ra đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Trong nước, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, hàng triệu lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập. Cùng với đó là thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là nắng nóng, hạn hán, giông lốc, lũ lụt, sạt lở đất, xâm mặn… xảy ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng nề trong nhiều lĩnh vực, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân…
Bối cảnh đó, đã tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp. Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là khó khăn trong quá trình thực hiện mua lương thực, vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn dự trữ quốc gia (DTQG) để đáp ứng nhu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Diễn biến thời tiết, thiên tai đặc biệt là lũ lụt ở miền Trung cũng tạo ra nhiều thách thức đối với việc bảo vệ an toàn tài sản, hàng DTQG; gây ra nhiều khó khăn trong việc thực hiện xuất cấp, vận chuyển hàng DTQG đến các điểm cứu trợ, hỗ trợ…
Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực vượt bậc của từng tổ chức, cá nhân, Tổng cục DTNN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2020, cụ thể:
Một là, không ngừng hoàn thiện thể chế – pháp luật về DTQG, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về DTQG được ban hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Tổng cục DTNN đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, xây dựng và tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng DTQG.
Đồng thời, khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09/10/2020 về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng DTQG. Đây là cơ sở pháp lý để xây dựng kế hoạch mua vật tư, thiết bị y tế đưa vào DTQG trong những năm tới, tạo nguồn lực chủ động đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp về y tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn gây ra…
Tổng cục DTNN đẩy mạnh rà soát hệ thống pháp luật hiện hành về quản lý hàng DTQG, tích cực tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật về quy chế, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật để quản lý các mặt hàng DTQG.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục DTNN đã tham mưu trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về Quy chế quản lý xăng dầu DTQG và trình Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật quản lý hàng DTQG, gồm: Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 02/6/2020 về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng DTQG; Thông tư số 48/2020/TT-BTC ngày 29/5/2020 sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xuồng (tàu) cao tốc DTQG; Thông tư số 87/2020/TT-BTC ngày 30/10/2020 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc DTQG và 12 thông tư về quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng do Bộ Quốc phòng quản lý (từ Thông tư số 309/2020/TT-BTC đến Thông tư số 320/2020/TT-BTC).
Ngoài các đề án đã ban hành trên, trong năm 2020, Tổng cục DTNN đã đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ đến năm 2020 và hoàn thành dự thảo quy hoạch tổng thể kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự thảo các thông tư: Thông tư quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý; Thông tư quy định về định mức chi phí bảo quản, hao hụt hàng hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý và Thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị khoan cắt dự trữ quốc (dự kiến trình Bộ ban hành trong quý I/2021).
Bên cạnh đó, trước tình trạng các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo DTQG, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong đấu thầu mua gạo DTQG, tham mưu Bộ Tài chính có Báo cáo số 87/BC-BTC ngày 09/7/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện về cơ chế, chính sách trong đấu thầu mua gạo DTQG để ràng buộc trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các nhà thầu.
Trên cơ sở đó, tại Văn bản số 8464/VPCP-CN ngày 09/10/2020, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật về đấu thầu; tổ chức thực hiện công tác mua gạo DTQG theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, tăng cường trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm hợp đồng hoặc không ký hợp đồng cung cấp gạo DTQG sau khi đã trúng thầu; bảo đảm kịp thời, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí trong thu mua gạo DTQG.
Hai là, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch DTQG phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra – kiểm tra các bộ, ngành trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã giao. Tổng cục DTNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các đơn vị chức năng trong việc xây dựng kế hoạch DTQG và dự toán ngân sách chi cho DTQG.
Kịp thời làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chuyển số dư dự toán, bổ sung kinh phí mua bù hàng dự trữ đã xuất, tạm ứng ngân sách nhà nước để kịp thời mua gạo dự trữ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi mua hàng DTQG; tổng hợp, thẩm định, thông báo thẩm định quyết toán vốn mua hàng, chi phí nghiệp vụ cho các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo đúng quy định… Những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực DTQG đáp ứng nhu cầu dân sinh luôn bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch nhập kho. Kịp thời tham mưu Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2020, Tổng cục DTNN đã tổ chức triển khai các cuộc thanh tra chuyên ngành tại Bộ Công Thương và một số đơn vị thuê bảo quản hàng DTQG; triển khai các cuộc kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc và đôn đốc các đơn vị thực hiện đầy đủ kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DTQG.
Ba là, triển khai thực hiện kịp thời kế hoạch nhập, xuất hàng DTQG đối với các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và ổn định đời sống nhân dân.
Về nhập hàng, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 100% kế hoạch mua lương thực nhập kho DTQG 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19, mặc dù phải tổ chức đấu thầu nhiều lần, nhưng Tổng cục DTNN đã quyết tâm thực hiện và hoàn thành 100% khối lượng mua lương thực DTQG theo đúng kế hoạch được giao.
Cùng với mua lương thực, Tổng cục DTNN đã tích cực tổ chức đấu thầu mua vật tư thiêt bị và nhập kho theo các hợp đồng. Theo đó, đơn vị đã hoàn thành nhập kho các mặt hàng nhà bạt nhẹ, phao bè cứu sinh, phao tròn, phao áo, máy phát điện, máy bơm nước chữa cháy theo kế hoạch năm trước chuyển sang và tổ chức đấu thầu, triển khai các hợp đồng mua vật tư, thiết bị DTQG theo kế hoạch năm 2020.
Về xuất cấp hàng, năm 2020, Tổng cục DTNN đã hoàn thành xuất cấp hàng DTQG theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: Đã hoàn thành các đợt xuất cấp gạo với tổng khối lượng 132.100 tấn (tương đương giá trị khoảng 1.412 tỷ đồng); đã thực hiện 3 đợt xuất cấp 8 loại vật tư, thiết bị, với tổng trị giá 203 tỷ đồng (gồm: máy bơm nước chữa cháy; máy phát điện các loại; máy khoan cắt bê tông; xuồng cao tốc các loại; nhà bạt các loại; bè nhẹ cứu sinh; phao áo cứu sinh; phao tròn cứu sinh) cho các địa phương, bộ ngành để đáp ứng nhu cầu phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, biến đổ khí hậu. Hàng DTQG khi xuất cấp được tổ chức vận chuyển, giao nhận kịp thời về tiến độ, bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, đúng đối tượng; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và góp phần tăng cường tình hữu nghị trong hợp tác quốc tế.
Bốn là, thường xuyên rà soát quy trình, quy chế và đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế quản lý trong nội ngành. Ngay từ đầu năm, Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-TCDT ngày 22/01/2020 về chương trình xây dựng cơ chế chính sách quản lý nội ngành của Tổng cục DTNN năm 2020 và giao cho các đơn vị chức năng chủ trì soạn thảo, dưới sự theo dõi, đôn đốc, kiểm điểm định kỳ hàng tháng của Văn phòng và Vụ Chính sách và Pháp chế.
Đến nay, cơ bản đã hoàn thành chương trình đề ra với 11 đề án đã được ban hành, trong đó gồm 4 quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị, danh mục các chi cục DTNN và 7 quyết định của Tổng cục trưởng quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị, về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị…
Năm là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị theo đúng Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN. Theo đó, đã giảm một đầu mối đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng cục DTNN và bỏ tổ chức cấp phòng thuộc Vụ; đồng thời rà soát, lập phương án sắp xếp lại Chi cục, đảm bảo đến hết năm 2025 giảm từ 89 chi cục xuống còn 82 chi cục DTNN.
Sáu là, tổ chức thực hiện nghiêm túc dự toán ngân sách chi thường xuyên và các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Năm 2020, tổng dự toán chi thường xuyên Tổng cục DTNN được sử dụng là 2.071,898 tỷ đồng; đến hết tháng 25/12/2020 đã thực hiện giải ngân đạt 93% kế hoạch.
Hoàn thành xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách năm 2019 cho 100% đơn vị trực thuộc; trình Bộ phê duyệt và triển khai các phương án sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất, phương án điều chuyển các công trình điện; trình Bộ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch kho và phê duyệt quy hoạch trụ sở hệ thống Tổng cục DTNN giai đoạn 2021-2025…
Nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2021
Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2021, Tổng cục DTNN tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG, trọng tâm là hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các mặt hàng DTQG nhằm nâng cao chất lượng hàng DTQG; xây dựng tiêu chuẩn kho DTQG và hoàn thiện các quy định khác về quản lý kho, hàng DTQG; hoàn thiện quy định về danh mục hàng DTQG và phân công quản lý hàng DTQG.
Trình cấp có thẩm quyền ban hành các đề án mang tính chiến lược của ngành DTNN đến năm 2030, gồm: Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030. Đồng thời, chuẩn bị chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện hai đề án trên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách trung ương khó khăn, cần nghiên cứu triển khai các giải pháp chính sách huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách trung ương cho DTQG, chú trọng chính sách thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa và từ hợp tác quốc tế cho phát triển nguồn lực DTQG, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng, kho tàng DTQG theo hướng hiện đại.
Hai là, tập trung hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch DTQG ngay từ đầu năm; hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí nghiệp vụ cho các bộ, ngành quản lý hàng DTQG để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhập hàng theo kế hoạch được giao. Chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch mua hàng DTQG hàng năm. Phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các khâu của quá trình mua sắm hàng DTQG, từ xây dựng phương án giá tối đa đến tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng, kiểm soát chất lượng hàng và tiến độ giao hàng… bảo đảm hoàn thành kế hoạch mua trên cơ sở đúng quy định của pháp luật đấu thầu và tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Bám sát thông tin dự báo về thiên tai, biến đổi khí hậu để xây dựng kế hoạch, phương án (kịch bản) xuất cấp hàng DTQG cho phù hợp với các tình huống ngay từ khi chưa có quyết định xuất cấp của cấp có thẩm quyền. Kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch xuất cấp, giao nhận hàng DTQG được hỗ trợ, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; bảo đảm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ba là, nâng cao chất lượng hàng DTQG; rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý chất lượng hàng, các quy định trong hồ sơ mời thầu và tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa ngay từ khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và khi xuất kho. Tổ chức quản lý kho tàng, hàng hóa DTQG chặt chẽ, an toàn; trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho giám sát, quản lý hệ thống kho DTQG và hàng hóa DTQG; bảo đảm sử dụng kho tàng, hàng hóa DTQG đúng mục đích, có hiệu quả.
Bốn là, tổ chức điều hành có hiệu quả dự toán chi ngân sách, chi cho DTQG và chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kho dự trữ, bảo đảm tiến độ giải ngân; đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết hệ thống kho, trụ sở đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể và nhu cầu thực tiễn.
Năm là, tăng cường xây dựng đội ngũ ngũ cán bộ, công chức trong toàn Tổng cục DTNN; làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để từng bước bổ sung cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo cho ngành DTNN; tổ chức tuyển dụng bổ sung công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, kết hợp với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và làm tốt công tác chính sách cán bộ.
Sáu là, tăng cường kỷ cương hành chính; nâng cao trách nhiệm công chức trong thực thi công vụ, thực hành trách nhiệm nêu gương; xây dựng văn hóa công sở văn minh, chuyên nghiệp, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, đơn vị cơ sở.
Với truyền thống vẻ vang và những nền tảng kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Tổng cục DTNN nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2021 và những năm tiếp theo.