Nhiều khó khăn
Kinh tế trên địa bàn tỉnh chưa lấy lại đà tăng trưởng thì tiếp tục chịu tác động tiêu cực khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ tháng 4 đến nay.
Ông Phạm Trọng – Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, ước tính đến ngày 30.6, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 63.475 tỷ đồng (tăng 0,78% so với đầu năm).
Trong cơ cấu nguồn vốn huy động, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư có mức tăng trưởng ổn định, đạt 50.314 tỷ đồng (tăng 6,69% so với đầu năm), tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nguồn vốn huy động với thị phần 79%. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 17,44% so với đầu năm (chiếm 20% thị phần); tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu chiếm 1%.
“Lãi suất huy động giữa kỳ hạn trên 12 tháng so với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống có mức chênh lệch khá cao đi đôi với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn của ngân hàng. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có xu hướng lựa chọn gửi kỳ hạn dưới 12 tháng để chờ cơ hội đầu tư khác hấp dẫn hơn” – ông Phạm Trọng nói.
Theo tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, ước tính đến ngày 30.6 tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 78.952 tỷ đồng (giảm 0,51% so với đầu năm).
Do tác động xấu của Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, quy mô sản xuất của doanh nghiệp, người dân giảm, kinh tế chưa lấy lại đà khôi phục nên cầu tín dụng giảm.
Dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là 35.028 tỷ đồng (chiếm 44,37% tổng dư nợ trên địa bàn, giảm 5,27% so với đầu năm).
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang áp dụng các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam để hỗ trợ khách hàng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho 894 khách hàng với 9.115 tỷ đồng và cho vay mới với doanh số 36.241 tỷ đồng kể từ ngày 23.1.2020.
Đưa vốn vào kinh tế
Tại họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng điều hành 6 tháng cuối năm được Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Theo đó, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Lãi suất cho vay tiếp tục được điều hành phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đưa vốn vào nền kinh tế, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng.
Ông Võ Văn Đức – Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Nam cho biết, có nhiều thuận lợi trong triển khai hoạt động tín dụng trong thời gian đến. Bởi cơ sở vững chắc được gây dựng trong thời gian qua là nguồn vốn đã và đang dịch chuyển theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng nguồn vốn giá rẻ trong cơ cấu vốn.
Ngân hàng đã thực hiện đa dạng hóa hình thức cho vay, giúp mọi thành phần kinh tế tiếp cận vốn vay, nhất là đẩy mạnh cho vay vào các ngành mũi nhọn như công nghiệp chế tạo ô tô, công nghiệp hỗ trợ.