Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản đã giảm từ trên 26% năm 2018 xuống 12% năm 2020. Đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng bất động sản tăng 12% nhưng thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung. Đến quý I/2022, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 783.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, theo NHNN, tín dụngbất động sản tính đến 31/5/2022 đạt dư nợ 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng. Tăng trưởng dư nợ bất động sản trở lại trong quý II/2022, được các chuyên gia lý giải do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay kinh doanh chỉ chiếm tỷ trọng thứ hai (33,7%); cho vay vào mục đích tự sử dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất (66,3%). Trong bối cảnh thị trường thiếu thanh khoản, thiếu dòng tiền, người vay trong mảng này khó chủ động để cùng ngân hàng cơ cấu lại tín dụng.
Thứ hai, theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, các ngân hàng đã cho vay trực tiếp tín dụng lẫn gián tiếp mua trái phiếu, khi thị trường khó khăn về thanh khoản, kẹt vốn, “tiền không về ngân hàng đúng kế hoạch”, cộng thêm các khoản cho vay góp vốn thành lập công ty, cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương lai… (hiện đã có dự thảo siết lại các quy định này). Do đó, vốn NHTM đổ vào bất động sản là rất lớn và như nhiều tính toán, các số liệu thống kê hiện tại có thể còn chưa đầy đủ.
“Trong thời gian tới, NHNN có thể tiếp tục giữ nguyên việc kiểm soát tín dụng và dòng vốn vào bất động sản đúng chuẩn. Những doanh nghiệp đã sử dụng vốn vay quá mức và các nhà đầu cơ vay vốn bất động sản quá mức sẽ gặp khó khăn”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.